Grab Company Profile – Những điều cần biết nếu bạn muốn ứng tuyển chương trình Management Trainee của Grab

Tomorrow Marketers Kể từ khi xuất hiện, Grab giống như một làn gió mới trong việc di chuyển tại các nước Đông Nam Á. Chỉ trong vài năm, không chỉ lớn mạnh mà “kỳ lân” này đã thành công trong việc thay thế Uber tại thị trường Đông Nam Á. Để đáp ứng tham vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, Grab luôn chú trọng đến yếu tố con người, đặc biệt là tìm kiếm và xây dựng đội ngũ nhân sự tiềm năng. Từ mục tiêu này, Grab đã cho ra mắt chương trình Management Trainee: Grab Future Unicorn, phát triển những nhà lãnh đạo Kỳ Lân trong tương lai.

Nếu bạn đang mong muốn làm việc tại Grab, hay có ý định tham gia chương trình Grab Future Unicorn, thì đừng bỏ qua bài viết này. Cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu những điểm nổi bật trong chiến lược kinh doanh của siêu ứng dụng này nhé!

1. Grab – Hành trình trở thành siêu ứng dụng tại Đông Nam Á

1.1. 2011 – 2015: Quá trình hình thành và mở rộng của Grab

Ý tưởng tạo ra Grab thành hình từ năm 2011, khi người sáng lập Anthony Tan – theo học MBA Harvard – cùng cộng sự lập nên thương hiệu MyTeksi tại Kuala Lumpur. MyTeksi hình thành từ khoản tài trợ ban đầu trị giá 25.000 đô la Mỹ từ Trường Kinh doanh Harvard và vốn cá nhân của Anthony Tan. Tháng 6/2012 đánh dấu thời điểm MyTeksi chính thức được ra mắt tại thị trường Malaysia với các “kình địch” là Uber và Easy Taxi, thu về thành công ban đầu là 11.000 lượt tải ứng dụng trong ngày đầu ra mắt.

Chỉ một năm sau đó, vào tháng 6/2013, Grab đã lập kỷ lục cứ 8 giây có một lệnh đặt xe, tương đương 10.000 lệnh đặt xe/ngày. Tháng Tám trong cùng năm, MyTeksi đổ bộ vào thị trường Philippines dưới tên GrabTaxi.

GrabTaxi đã mở rộng sang Philippines vào tháng 8 năm 2013, Singapore và Thái Lan vào tháng 10 cùng năm. Năm 2014, Grab hợp tác với HDT Holdings, giới thiệu 100 xe taxi BYD e6 tại Singapore để tạo thành đội taxi điện tử lớn nhất Đông Nam Á. Trong năm 2014, GrabTaxi tiếp tục phát triển và mở rộng sang các quốc gia mới: ra mắt lần đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam vào tháng 2 và Jakarta tại Indonesia vào tháng 6. Vào tháng 5 năm 2014, công ty đã ra mắt GrabCar – dịch vụ xe hơi theo hợp đồng điện tử thay thế taxi truyền thông. Tháng 11 năm 2014, GrabTaxi đã ra mắt dịch vụ GrabBike đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh dưới dạng dịch vụ thử nghiệm.

GrabTaxi ban đầu đã xin tài trợ từ Khazanah Nasional, quỹ tài sản có chủ quyền của chính phủ Malaysia. Tuy nhiên, các quy trình và kiểm tra nội bộ kéo dài đã khiến Khazanah không đồng ý về thỏa thuận. Chính quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore đã đồng ý tài trợ 10 triệu đô la Mỹ cho Grabtaxi. Cùng năm, công ty chuyển trụ sở chính từ Malaysia sang Singapore. 

Đến năm 2015, dịch vụ đặt xe ôm của GrabBike trở nên phổ biến khắp Việt Nam và Indonesia. GrabBike cũng cung cấp bảo hiểm y tế cho hành khách và tài xế của họ. Vào tháng 2 năm 2015, công ty đã ra mắt GrabCar + (dịch vụ cung cấp xe cao cấp hơn) tại Philippines. Tháng 11 năm 2015, Grab đã ra mắt dịch vụ chuyển phát nhanh GrabExpress.

1.2. 2016 – 2018: Grab tái cấu trúc thương hiệu và bổ sung nhiều dịch vụ mới

Ngày 28/1/2016, GrabTaxi chính thức đổi thương hiệu thành Grab để khẳng định vị trí của hãng tại thị trường Đông Nam Á. 

Vào tháng 10 năm 2016, Grab đã bổ sung tính năng nhắn tin tức thời trong ứng dụng có tên “GrabChat”, cho phép hành khách và tài xế giao tiếp. Đồng thời, Grab cũng cung cấp tính năng dịch nếu ngôn ngữ cài đặt của tài xế và hành khách khác nhau. Tháng 12 năm 2016, Grab đã triển khai chương trình phần thưởng GrabRewards. Đồng thời, Grab giới thiệu “GrabShare”, cung cấp các dịch vụ đi chung xe và taxi. 

Vào tháng 2 năm 2017, Grab đã ra mắt dịch vụ GrabCoach để đặt các phương tiện vận tải hành khách lớn. Đến tháng 3, Grab giới thiệu GrabFamily dành cho trẻ nhỏ dưới 7 tuổi, nhằm đáp ứng quy định trẻ em dưới 1,35 mét phải ngồi ghế nâng trẻ em. 

Vào tháng 3 năm 2018, Grab đã hợp nhất với Uber tại Đông Nam Á. Là một phần của thương vụ mua lại, Grab tiếp quản tài sản và hoạt động của Uber, bao gồm cả UberEats, dẫn đến việc Grab mở rộng dịch vụ giao đồ ăn. Uber nắm giữ 28% cổ phần của Grab. Vào tháng 4 năm 2018, Grab đã giới thiệu dịch vụ đặt xe mới, GrabCar Plus, cung cấp phương tiện lớn hơn để đổi lấy 20% phí bảo hiểm. 

Vào tháng 4/2017, Grab xác nhận mua lại công ty khởi nghiệp thanh toán trực tuyến Kudo của Indonesia. Nền tảng Kudo được tích hợp với hệ thống thanh toán của Grab và là bước khởi đầu của Grab trong việc mở rộng các dịch vụ fintech. Vào tháng 11 năm 2017, Grab đã ra mắt dịch vụ thanh toán GrabPay như một dịch vụ thanh toán kỹ thuật số giữa các bên thứ ba, cho phép người dùng sử dụng ứng dụng để mua hàng bên ngoài dịch vụ gọi xe. Tháng 5 năm 2018, Grab đã ra mắt dịch vụ giao đồ ăn GrabFood. Đến tháng 11 cùng năm, Grab đã đầu tư vào nền tảng Ovo của tập đoàn Lippo Group của Indonesia để cạnh tranh với đối thủ Go-Jek. Ovo là nền tảng thanh toán điện tử kỹ thuật số hàng đầu của Indonesia. 

1.3. 2019 – nay: Những phát triển gần đây của Grab

Vào tháng 1 năm 2019, Grab thông báo rằng sẽ xây dựng một trụ sở mới ở Singapore để mở rộng hoạt động công ty. Đến tháng 2, Grab đã ra mắt dịch vụ GrabPet tại Singapore, giúp khách hàng đưa thú cưng của mình đến địa điểm khác. Đồng thời, trong tháng 4, Grab cũng tung GrabKitchen, dịch vụ giao đồ ăn tại Indonesia.

Vào tháng 2 năm 2020, Grab bổ sung dịch vụ GrabCare, đưa nhân viên y tế ở Singapore đến bệnh viện. Đây được coi là một nỗ lực nhằm giảm thiểu sự phân biệt đối xử do đại dịch COVID-19, gây khó khăn cho nhân viên y tế. Grab cũng mở rộng dịch vụ GrabMart và GrabAssistant đến nhiều thành phố và quốc gia hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với việc giao hàng thực phẩm và tạp hóa online. Để hỗ trợ các đối tác tài xế của mình trong thời gian bùng phát dịch bệnh, Grab đã cam kết ủng hộ 40 đô la Mỹ triệu cho các sáng kiến ​​cứu trợ trên khắp Đông Nam Á.

Với tham vọng “global”, Grab đã thành công với bước tiến mới đó là có phiên giao dịch đầu tiên sau khi công ty hoàn tất sáp nhập với Altimeter Growth Corp. Đây là thương vụ SPAC (special purpose acquisition company) lớn nhất trên thế giới tính tới 2021. Tuy nhiên, kể từ khi IPO vào tháng 12/2021, gã khổng lồ gọi xe và giao hàng của Đông Nam Á đã chứng kiến vốn hoá bốc hơi 22 tỷ USD. Giới phân tích cho rằng thời điểm niêm yết của Grab là không thực sự thuận lợi khi dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho dịch vụ đi chung xe. Biến chủng Omicron cũng khiến nhiều nước áp đặt thêm hạn chế mới. Một bất lợi nữa đó là vào cuối quý 1/ 2022, Giám đốc sản phẩm công nghệ toàn cầu của Grab tuyên bố rời công ty. Giám đốc Grab Việt Nam cũng từ nhiệm khỏi vị trí này sau hơn 2 năm đảm nhiệm. Chắc chắn Grab sẽ gặp nhiều thử thách hơn nữa trong thời kì hậu đại dịch. 

2. Grab Future Unicorn

Chương trình Management Trainee Kỳ Lân Tập Sự – Grab Future Unicorn được thiết kế nhằm phát triển nhân tài qua việc cung cấp các cơ hội có mục đích, mang tính thách thức, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và khơi dậy Nhà lãnh đạo bên trong mỗi tài năng trẻ. Điều này bao gồm việc phát triển kỹ năng lãnh đạo, đào tạo chính quy và phát triển chuyên môn.

Các phòng ban mở tuyển tại Grab bao gồm: Mobility & Deliveries, GrabFood – GrabMart – GrabKitchen, Marketing, Strategy & Planning, Insights & Marketplace Strategy, Engagement & Enforcement, Central Operations. Quy trình ứng tuyển tại Grab gồm 5 vòng: Application, Online Assessment, Online Initial Interview, Interview with Senior Manager, Online Assessment Central & Final Interview. Các ứng viên đủ điều kiện tham dự là sinh viên mới tốt nghiệp hoặc vừa đi làm, có kết quả học tập tốt, giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh, có kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, có tinh thần làm việc nhóm cao và có tố chất lãnh đạo. 

Đọc thêm: Vòng Initial Interview, Assessment Camp và Final Interview cần những kiến thức Marketing gì?

Quá trình đào tạo và phát triển kỹ năng của chương trình sẽ kéo dài trong vòng 24 tháng. Mỗi Kỳ Lân tập sự sẽ tập trung vào một phòng ban chính với cơ hội học hỏi thêm từ các phòng ban khác, đảm bảo được trang bị kiến thức chuyên sâu về hoạt động kinh doanh, năng lực công nghệ và văn hóa doanh nghiệp của Grab Việt Nam. Với vai trò là nhân viên Grab toàn thời gian trong suốt quá trình đào tạo, các tài năng trẻ sẽ có cơ hội tham gia các buổi huấn luyện, đào tạo với ban giám đốc và đội ngũ nhân sự cấp cao của Grab Việt Nam.

3. Bài học đáng giá trong chiến lược kinh doanh tại Grab

Xây dựng ứng dụng đa dịch vụ, tập trung cải thiện trải nghiệm của khách hàng

Grab luôn phát triển sản phẩm của mình song song với nhu cầu của khách hàng từ đó thích nghi và thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Sản phẩm dịch vụ của Grab khá đa dạng, khởi đầu với GrabTaxi, GrabCar, GrabBike, GrabExpress và gần đây nhất là GrabShare. Ưu điểm của Grab có thể kể đến ứng dụng dễ cài đặt, minh bạch, nhanh gọn, các hình thức khuyến mãi hay chào mừng khách hàng mới luôn được chú trọng. Hơn thế nữa, Grab luôn để tâm đến muôn vàn lợi ích của khách hàng khi họ lựa chọn sử dụng dịch vụ như Grab Pay, Grab Awa hay Grab Chat.

Grab lần đầu đề cập đến tham vọng trở thành “siêu ứng dụng” vào giữa năm 2018. Lúc đó, hệ sinh thái của Grab có sẵn những yếu tố cần thiết để hiện thực hóa tham vọng của mình. Xuất phát từ dịch vụ đặt xe, trong những năm vừa qua Grab “bung” thêm một số dịch vụ di chuyển để hình thành mạng lưới đối tác tài xế rộng khắp 43 tỉnh, thành khắp Việt Nam. Điều này cho thấy, khi cần đi đâu, người dùng chỉ cần mở ứng dụng Grab lên là có ngay một loạt lựa chọn phù hợp với thời gian, chi phí của mình.

Mọi dịch vụ đều diễn ra trên một ứng dụng là Grab. Chưa kể, mỗi giao dịch đều được tích điểm GrabRewards, sau đó được đổi thành những ưu đãi khác dành riêng cho khách hàng Grab. Với tất cả điều trên, có thể thấy tính liền mạch trong trải nghiệm được Grab tính toán chu đáo, giúp khách hàng càng sử dụng càng được nhiều tiện lợi và ưu đãi. Các dịch vụ đều bổ sung cho nhau và liên kết với nhau, cho phép người dùng thao tác trên duy nhất một ứng dụng để thực hiện các thanh toán.

Đẩy mạnh khuyến mãi để kích cầu cho thị trường

Trước đây, thói quen sử dụng taxi và xe ôm của người Việt Nam là chỉ khi có việc gấp, không tiện đi xe thì mới sử dụng đến taxi hay xe ôm. Chiến lược của Grab rất rõ ràng, đầu tiên họ tự bỏ tiền ra để chạy các chương trình khuyến mại với giá rất ưu đãi và các mã giảm giá mỗi ngày. Khách hàng đi xe quá rẻ, đi ngắn đi dài đều được, ….dần dần họ quen dần với Grab. Các tài xế có nhiều đơn hàng hơn, mặc dù khách hàng chỉ phải trả ít tiền nhưng bù lại giá tiền giảm sẽ được Grab bù lại cho các tài xế sau khi hoàn thành chuyến đi. Khi lượng bên mua và bên bán đủ lớn cũng như đã quá quen thuộc với việc sử dụng Grab thì Grab đã thay đổi được thói quen của thị trường Việt Nam.

Sử dụng chiến lược địa phương hóa tài tình

Vốn có lợi thế kết nối với các tài xế xe 4 bánh, điển hình là thành công vang dội tại quê nhà Singapore, nhưng khi tiến vào Việt Nam, Grab nhận thấy thói quen di chuyển và hệ thống giao thông tại Việt Nam có quá nhiều khác biệt so với Singapore, nếu không muốn nói là độc nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, xe hai bánh có lợi thế hơn hẳn khi tài xế xe ôm dễ dàng đưa đón người dùng đến từng ngõ, hẻm và tiết kiệm thời gian di chuyển vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhất là giờ cao điểm tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Chưa kể, đây còn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân, hầu như ai cũng quen thuộc với việc đi lại bằng xe máy.

Vì thế, dịch vụ GrabBike chính thức được giới thiệu tại Việt Nam. Từ đây, người dùng trong nước dần quen khái niệm “xe ôm công nghệ”, dễ dàng đặt “xe ôm” chỉ với vài cú chạm trên màn hình điện thoại, còn các bác tài hai bánh cũng trở nên chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Đây được coi là bước đầu thành công của Grab trong việc am hiểu thị trường, nắm bắt nhu cầu và tâm lý của người tiêu dùng.

Đọc thêm: New Product Launch Case : Phân tích case xe điện Vinfast

Ngoài ra, tại khu vực Đông Nam Á, phần đông dân số có thói quen sử dụng tiền mặt. Do đó, Grab đã cho phép khách hàng lựa chọn thanh toán tiền mặt hoặc tài khoản ngân hàng. Ngược lại với Grab, khi mới gia nhập thị trường Việt Nam, Uber yêu cầu thanh toán bằng tài khoản ngân hàng, gây khó khăn cho người dùng. Như vậy, Uber đã vô tình bỏ qua những khách hàng không có thói quen dùng tài khoản tín dụng. Từ điểm yếu của đối thủ, Grab mở rộng được thị trường một cách nhanh chóng nhờ thích nghi và tìm hiểu kỹ thói quen của người Việt Nam.

Mua lại đối thủ để chiếm lĩnh thị trường

Vào ngày 26/3/2018, Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, và Uber có 27,5% cổ phần trong công ty sau mua bán và sáp nhập này. Theo thỏa thuận này, Grab thu mua lại toàn bộ dịch vụ đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn tại Đông Nam Á của Uber.

Uber rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á đồng nghĩa với việc Grab gần như độc quyền trong lĩnh vực này tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác. Grab gần như “một mình một chợ” trên thị trường Việt Nam trị giá nửa tỷ USD. Đây được xem là một chiến thắng của Grab khi mà Uber đã dành một lượng tiền khổng lồ gấp 3 lần Grab khi đầu tư vào thị trường này. 

Tất nhiên, trong khoảng thời gian sau này, Grab vẫn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt đến từ những đối thủ mới, ví dụ như Go-Viet, Be… Tuy nhiên, Grab vẫn khẳng định vị thế dẫn đầu của mình. Báo cáo về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam 6 tháng năm 2020 của ABI Research cho thấy Grab vẫn là hãng gọi xe công nghệ dẫn đầu thị trường. Hãng hoàn tất 62,5 triệu cuốc xe trong nửa đầu năm, chiếm 74,6% thị phần.

Đọc thêm: [Góc nhìn] – Dự đoán cuộc chiến giữa hai ứng dụng Grab và Gojek

Tạm kết

Rõ ràng, việc sở hữu hệ sinh thái đa dạng về lượng, khắt khe về chất đang giúp Grab chiếm ưu thế trong cuộc đua siêu ứng dụng. Nếu bạn muốn trải nghiệm môi trường làm việc năng động, linh hoạt tại Grab, hay ứng tuyển chương trình Grab Future Unicorn, đừng bỏ lỡ khóa học Case Mastery. Đến với khóa học, bạn sẽ có cơ hội được kết nối, trao đổi với các Trainer giàu kinh nghiệm làm việc trong môi trường đa quốc gia. Đặc biệt, giảng viên – những người từng xuất phát từ Quán quân các cuộc thi, tham gia chương trình MT sẽ giúp bạn hiểu tiêu chí đánh giá, chấm điểm để tự tin chinh phục tập đoàn hàng đầu này.

Trang bị ngay kiến thức nền tảng vững vàng và cải thiện kỹ năng Problem Solving với khóa học Case Mastery nhé!

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

The post Grab Company Profile – Những điều cần biết nếu bạn muốn ứng tuyển chương trình Management Trainee của Grab appeared first on Tomorrow Marketers.



source https://blog.tomorrowmarketers.org/grab-company-profile/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Điểm “lợi và hại” khi Nam Tiến làm Marketing

Bán hàng trước hay xây dựng thương hiệu trước? Lúc nào doanh nghiệp mới cần “Build Brand”?

SEO Onpage (Phần 2) – Các bước tối ưu SEO URL