04 nguyên nhân khiến Direct Traffic tăng đột biến
Tomorrow Marketers – Blog của bạn chứng kiến tốc độ tăng lưu lượng truy cập trực tiếp là một điều tích cực, nhưng nếu kết quả tăng cao đột ngột và bất thường có thể là một dấu hiệu cho thấy website đang gặp phải vấn đề.
Lưu lượng truy cập trực tiếp (direct traffic) thường sẽ dao động dưới 20% và nếu con số Google Analytics đo lường website của bạn là trên 50%, bạn cũng cần tìm hiểu lý do đằng sau. Bởi thông thường chỉ những doanh nghiệp có mức độ nhận biết cao mới có thể khiến người dùng biết tới và chủ động gõ trực tiếp tên website trên thanh địa chỉ. Còn với các doanh nghiệp/blog/website không có mức độ phổ biến cao, nguồn traffic vẫn cần phụ thuộc vào social media, SEO,… Việc đạt lượng direct traffic cao bất bình thường như vậy nên được phân tích để tìm ra nguyên nhân phía sau.
Trong bài viết sau, cùng TM tìm kiếm 04 nguyên nhân có thể khiến direct traffic tăng cao đột biến nhé!
Đọc thêm: Sử dụng Google Analytics như thế nào để theo dõi sức khỏe website?
1. Direct Traffic là gì?
Google Analytics định nghĩa direct traffic là những traffic về từ trực tiếp URL trên thanh địa chỉ mà không thông qua bất kỳ website trung gian hoặc công cụ tìm kiếm nào. Như vậy, những truy cập từ bookmark, các trang yêu thích hoặc từ dữ liệu lưu trữ trên thanh địa chỉ cũng được tính là direct traffic.
Mở rộng hơn, Google Analytics sẽ báo cáo những traffic là “trực tiếp” khi công cụ này không có dữ liệu về cách session bắt đầu hoặc khi công cụ này được cài đặt để bỏ qua referring source (các nguồn truy cập trên các website khác dẫn tới website của bạn).
Đọc thêm: Các chỉ số bạn nên theo dõi trên website và landing page
2. Theo dõi dữ liệu direct traffic trong Google Analytics như thế nào?
Bạn có thể đăng nhập vào tài khoản Google Analytics liên kết với trang web của bạn, nhấp chuột chọn Acquisition > All Traffic > Channels.
Nếu bạn muốn tìm ra đâu là landing page có lưu lượng truy cập trực tiếp cao nhất, bạn có thể click chọn “Direct”.
3. 4 nguyên nhân khiến direct traffic tăng đột ngột
Để hiểu rõ hơn điều gì đang gây ra sự gia tăng đột biến của direct traffic, hãy đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau:
- Sự gia tăng đột biến này xảy ra khi nào? – Direct traffic “tăng đột biến” khi lưu lượng truy cập đột ngột tăng vọt vào trong một khoảng thời gian ngắn.
- Sự gia tăng đột biến này xảy ra trong bao lâu? – Các trường hợp direct traffic tăng đột biến, trong đó direct traffic trực tiếp có mức tăng đột biến ngắn (một hoặc hai ngày) có sự khác biệt lớn so với mức tăng đột biến kéo dài một tuần hoặc lâu hơn.
- Direct traffic tới trang nào nhiều nhất? – Danh sách landing page được truy cập trực tiếp nhiều nhất có thể cung cấp cho bạn một số manh mối: Những direct traffic này tới từ một bài đăng blog, từ trang chủ hay từ trang giới thiệu doanh nghiệp? Thông thường, hai trang web có lượng truy cập trực tiếp nhiều nhất là trang chủ và các trang giới thiệu doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho khách hàng và mọi người, vì vậy họ thường tìm kiếm thêm thông tin về chúng tôi là ai và doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ gì.
- Khách truy cập trang web bằng (các) loại thiết bị nào? – Những người dùng truy cập trực tiếp có đang sử dụng cùng một loại thiết bị không?
- Vị trí người truy cập? – Nếu tất cả khách truy cập ở cùng một vị trí, điều này có thể cho thấy một liên kết đã được chia sẻ giữa một nhóm người. Nhìn vào quốc gia hoặc thành phố mà khách truy cập đang ở có thể giúp bạn thu hẹp nguồn.
3.1. Có sự sai lệch trong cách Google Analytics định nghĩa direct traffic
“Dark Traffic” là một thuật ngữ chỉ những traffic tới website của bạn và bị Google Analytics (hoặc các công cụ phân tích web khác) dán nhãn sai thành direct traffic. Đó có thể là:
- Traffic từ email marketing như Outlook / GMail: Nếu không được thiết lập chính xác, các traffic từ email có thể bị Google Analytics gán cho Trực tiếp
- Traffic từ native mobile apps
- Traffic từ “Dark Search” (Tìm kiếm in-app, tìm kiếm hình ảnh, tìm kiếm được bảo mật)
- Referral traffic từ website https tới website http: Nếu trang web sử dụng SSL thì khi người dùng chuyển hướng từ https sang http, dữ liệu trước đó sẽ không được ghi nhận. Google Analytics sẽ tính những truy cập này là direct traffic.
- Traffic từ Dark Social: đây là thuật ngữ chỉ các tương tác xã hội không thể đo lường và theo dõi bằng các công cụ, phương tiện phân tích thông thường. Những tương tác này có thể thông qua các ứng dụng tin nhắn, email, và các trình duyệt web an toàn,… Vì vậy, các liên kết có thể được chia sẻ và chuyển tiếp rộng rãi trên các nền tảng xã hội như WhatsApp, Telegram mà không gửi bất kỳ dữ liệu đo lường nào.
- Traffic từ các tài liệu văn bản ngoại tuyến như PDF, MS Word,…
- Và tất cả những traffic từ các nguồn mà Google không xác định được nguồn đều sẽ bị gán là direct traffic (hoặc “Other”).
Để hạn chế dark traffic, bạn có thể sử dụng UTM Tracking Code bằng cách truy cập công cụ Campaign URL Builder của Google để tạo ra các URL riêng cho việc theo dõi và đo lường trong Google Analytics. Chỉ cần nhập thông tin bạn muốn sử dụng và công cụ sẽ cung cấp cho bạn một URL với các thông số đã được tùy chỉnh. Bạn có thể xem kết quả của các URLs tại Acquisition > Campaign.
Mặc dù “dark traffic” có thể khiến Google Analytics báo cáo sai lệch về lưu lượng truy cập trực tiếp, sự sai lệch này thường có xu hướng tăng một cách ổn định thay vì tăng đột biến.
Vì vậy, để tìm ra lý do khiến direct traffic tăng nhanh chóng, đó có thể là một trong ba nguyên nhân bên dưới.
Đọc thêm: Làm gì khi blog bỗng nhiên sụt giảm traffic? 6 bước chỉ dẫn chi tiết giúp bạn khắc phục vấn đề này
3.2. Doanh nghiệp/trang web được hưởng lợi từ earned media
Thành công từ những chiến dịch Marketing là một trong những nguyên nhân có ý nghĩa tích cực của việc direct traffic tăng đột biến.
Patrick Crane của Love Sew UK cho biết: “Direct traffic tăng đột biến trong thời gian ngắn có thể là do doanh nghiệp được đề cập tới trên một website phổ biến hoặc được nhắc tới bởi một người có sức ảnh hưởng. Mức tăng đột biến được coi là phản ứng của công chúng nhận tin với các hoạt động/chương trình Marketing của doanh nghiệp.”
Tom Zsomborgi của Kinsta bổ sung, “Google Analytics cũng ghi nhận một truy cập từ Google Discover là direct traffic. Nếu bạn thường đăng tải nội dung có giá trị tin tức, Google Discover có thể hiển thị những bài đăng này trên news feed của người dùng Android. Vì vậy, bạn có thể đối chiếu chéo với dữ liệu từ Google Search Console, nếu mức tăng đột biến khớp thì những truy cập mới này từ Google Discover.”
Oliver Palmer cũng cho biết: “Sự thay đổi bất thường này thường liên quan đến sự gia tăng trong số lượng và hiệu quả của các hoạt động quảng cáo above-the-line như TV, OOH, radio,…”. Nếu URL landing page của doanh nghiệp được liệt kê trên banner hoặc được đề cập trên phương tiện truyền thông, thì đây có thể là lý do khiến lưu lượng direct traffic tăng. Việc tăng đột biến còn phụ thuộc vào việc URL của doanh nghiệp có dễ nhớ và dễ nhập hay không.
Từ kinh nghiệm cá nhân, Mohamed Hassaan của Style Recap bổ sung, “Để xác định đây là mức tăng đột biến trực tiếp hay mức tăng của tổng thể, bạn nên kiểm tra xem nó tương ứng như thế nào với lưu lượng organic search của bạn. Nếu có sự tăng đột biến với cả những truy cập trực tiếp và những truy cập organic, đây có thể là dấu hiệu điều gì đó đã xảy ra trên trang web của bạn.
Lúc này, bạn nên xem xét lại các social media sources và xem liệu chúng có đề cập đến bất kỳ điều gì liên quan đến trang web hay không. Bạn có thể sử dụng Google Alerts để thiết lập cảnh báo dựa trên các từ khóa hoặc chủ đề liên quan đến công ty khi chúng được đăng tải online.
3.3. Spambots
Spam bots là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra sự tăng đột biến dữ liệu về direct traffic trong Google Analytics.
Spambots có thể thu thập dữ liệu của hàng nghìn trang web mỗi ngày, sau đó gửi HTTP requests đến các trang web với các referer header giả mạo. Tất cả những truy cập như vậy được Google Analytics báo cáo là “direct traffic”.
Các chuyên gia của WallStreetZen, SEO Design Chicago và Posturion cho rằng: “Có hai dấu hiệu chứng minh trang web của bạn bị tấn công bởi spambot: (1) các direct traffic có cùng một vị trí địa lý, cùng một nhà mạng và trên cùng một thiết bị,… (2) các direct traffic có bounce rate cao và số lượng thời lượng session trung bình cực kỳ thấp (thậm chí là chỉ ở mức 0s)”.
Có rất nhiều loại bot giúp thu thập dữ liệu web cho các mục đích khác nhau; trong đó có những bot với mục đích tốt và cả mục đích xấu. Các bot mục đích tốt được coi là những con nhện trong thuật toán của search engine, giúp quét trang web và đo lường hoạt động. Ngược lại, các bot có mục đích xấu thường là spammer, có khả năng làm lệch lạc các thông tin dữ liệu của website (ví dụ như tấn công DDoS) và thường đính kèm với một trình quét mã độc hại. Một số spambots được thiết kế để thu thập dữ liệu nội dung blog, sau đó sao chép nội dung và đăng lại.
Nếu các bot chỉ được sử dụng một lần, trong một khoảng thời gian rất ngắn và không liên tục tấn công trang web, bạn hoàn toàn có thể bỏ qua nó. Tuy nhiên, nếu tình trạng tăng đột biến direct traffic xảy ra lặp lại thêm nhiều lần, bạn cần có hành động để xử lý điều này.
Bạn có thể xác định liệu người truy cập có phải là bot hay là người dùng thực hay không bằng một số cách khác nhau.
- Bạn vừa bắt đầu chiến dịch Marketing trước khi direct traffic tăng đột biến không? Nếu có, vậy có thể tốc độ tăng biến động của direct traffic là kết quả tích cực của những hoạt động Marketing này.
- Có phải tất cả các lần traffic đều truy cập một trang và không nhấp qua các liên kết hoặc truy cập các trang khác? Nói cách khác, thời lượng session là thấp? Rất có thể đó là bot.
- Bounce rate có bằng hoặc xấp xỉ 100% không? Khá chắc chắn là bot.
- Địa chỉ IP nguồn có tương tự nhau như cùng đến từ một block hoặc range giống nhau không? Nhiều khả năng là các bot đang chạy trên một danh sách các proxy.
Vậy bạn sẽ làm gì nếu điều này xảy ra? Hai điều: tìm ra lý do tại sao nó xảy ra, “bắt” chúng trên máy chủ và thêm chúng vào danh sách dữ liệu để loại trừ khỏi địa chỉ IP của doanh nghiệp.
3.4. Pixel đo lường của Google Analytics bị lỗi hoặc thiếu cài đặt
Một lý do khác có thể khiến trang web tăng direct traffic đột biến là do những pixel theo dõi không chính xác.
Gregory Yong của Convincely giải thích, “Google Analytics sẽ báo cáo lưu lượng của direct traffic khi nó không biết session bắt đầu như thế nào trên trang web của bạn. Điều này có thể là do pixel theo dõi bị hỏng, nhập địa chỉ thủ công hoặc gắn thẻ không chính xác. Ngoài ra, điều này có thể do Google Analytics được cài đặt để bỏ qua các referring source”.
Để kiểm tra cài đặt Google Analytics của bạn, hãy làm theo các bước sau:
- Đảm bảo tất cả các trang đều có tập lệnh Google Analytics hoặc Google Tag Manager.
- Sử dụng Google Tag Assistant để xem lại mã của bạn và xem mã đó có hoạt động hay không.
- Nếu bạn đã thiết lập tính năng theo dõi tên miền chéo, hãy sử dụng chức năng Recordings để ghi lại hành trình qua các trang web và xem liệu tất cả có liên kết với nhau trong một session hay được chia thành nhiều session khác nhau.
Tiếp đó, bạn cần đảm bảo rằng tất cả các trang của website đã được cài đặt mã tracking script của Google Analytics hợp lệ (mã này sẽ kích hoạt mỗi lần tải trang). Hãy sao chép lại và thêm mã theo dõi Google Analytics trên mỗi trang của website hoặc đặt một plug-in đặc biệt trong bảng điều khiển quản trị của trang web. Lưu lượng truy cập từ các trang web của bạn cũng được Google Analytics báo cáo dưới dạng direct traffic hoặc self-referral.
Nếu trang web ở trên Opencart, hãy chuyển đến Extensions để phân tích và thêm mã vào đó. Mọi thứ bây giờ sẽ hoạt động chính xác.
Đọc thêm: Làm thế nào khi gặp tình trạng nội dung bị giảm lượng truy cập đột ngột?
Tạm kết
Google Analytics là công cụ phân tích website hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay. Nắm chắc Google Analytics còn giúp bạn đo lường độ hiệu quả của website và có thể đưa ra những hành động kịp thời trước những biến động tăng giảm của các chỉ số digital.
Nếu bạn mong muốn trang bị kiến thức toàn diện về thuật toán của Google, SEO website và đặc biệt là tư duy xây dựng chiến lược đa kênh Digital, tham gia ngay khóa học Digital Foundation tại Tomorrow Marketers nhé!
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!
The post 04 nguyên nhân khiến Direct Traffic tăng đột biến appeared first on Tomorrow Marketers.
source https://blog.tomorrowmarketers.org/nguyen-nhan-khien-direct-traffic-tang-dot-bien/
Nhận xét
Đăng nhận xét