Sessions, Users và Pageviews có gì khác nhau?

Tomorrow Marketers Một trong nhiều câu hỏi mà các newbie digital marketer thường thắc mắc: Sessions, users và pageviews là gì, đâu là sự khác nhau giữa các chỉ số này? Khi nào thì bạn cần đo lường và theo dõi các chỉ số đó? Những chỉ số này có thể cung cấp những insight gì? 

Trong bài viết này, cùng Tomorrow Marketers đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên nhé!

Đọc thêm: Sử dụng Google Analytics thế nào để theo dõi sức khỏe website?

1. User là gì?

“User” được định nghĩa là mỗi cá nhân người dùng truy cập website của bạn. Trước năm 2014, chỉ số này được gọi là “unique visitor” trong Google Analytics. 

Bất cứ khi nào một khách truy cập mới truy cập vào website của bạn, Google Analytics sẽ gắn họ với một mã số ID độc nhất và lưu trữ thông tin này trong cookie của trình duyệt họ đang sử dụng. Vì vậy, khi user này rời site và quay trở lại sau đó, Google Analytics sẽ ghi nhớ thông tin người dùng và không tính lần truy cập thứ hai là một người dùng mới.

Ngoài ra, nếu người dùng truy cập trang web lần thứ hai bằng trình duyệt/thiết bị khác hoặc sau khi đã xóa cookies, họ sẽ nhận được một ID khách hàng mới và Google Analytics sẽ tính họ là một người dùng khác. 

Như vậy, Google Analytics phân chia user thành hai loại:

  • New user: Nếu không có cookie, Google sẽ tạo một cookie và coi đây là “người dùng mới”
  • Returning user: Nếu cookie hiện diện, Google coi đây là “người dùng cũ quay lại” và bắt đầu một session mới

2. Session là gì?

Session được định nghĩa là tất cả các hành động được thực hiện trong một lượt truy cập trang web của bạn. Bất kể người dùng truy cập vào một trang và rời ngay lập tức hay đọc tất cả các bài viết trên website trong hàng giờ đồng hồ, Google Analytics vẫn sẽ chỉ tính đó là một session. Tất cả các pageview, click, giao dịch,… được theo dõi trong khoảng thời gian hoạt động tạo nên một “session”. 

Một session bắt đầu khi một người dùng tương tác với một trang có chứa Google Analytics tracking code và kết thúc sau 30 phút không có hoạt động mới, người dùng đóng trình duyệt website, campaign source thay đổi hoặc tới nửa đêm. Nếu người dùng quay trở lại trang sau khi session kết thúc, một session mới sẽ bắt đầu.

Vì thế, một người dùng có thể tạo ra rất nhiều session. Ví dụ, một người dùng có thể truy cập trang web của bạn 10 lần và Google Analytics sẽ đưa ra kết quả là 10 session và 01 user. 

3. Pageview là gì?

Pageviews là mỗi lượt tải trang trên website. Một session đơn có thể bao gồm rất nhiều pageview, nếu một người dùng truy cập nhiều trang trên website mà không rời đi. 

Khi một người dùng truy cập website của bạn và truy cập vào nhiều trang khác nhau, những pageview này tạo thành một session. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi một người dùng tải lại trang hay quay trở lại để xem trang vừa xem một lần nữa? Google Analytics vẫn tính đây là những pageview khác nhau và không độc nhất. Một unique pageview chỉ số lượt tải trang độc nhất vào lần đầu tiên người dùng truy cập vào một trang trong một session. Nếu một người dùng rời website và quay lại, bắt đầu một session mới, họ có thể truy cập lại cùng một trang và kích hoạt một unique pageview khác. 

Nếu Google Analytics ghi nhận nhiều pageview hơn unique pageview, điều đó có nghĩa là người dùng đang truy cập lại nhiều trang mới mà không thoát khỏi website. 

Vậy sự khác nhau giữa ba chỉ số này là gì?

Sự khác biệt lớn nhất là một usernhiều session, và một session bao gồm nhiều page view.

Một ví dụ để bạn dễ dàng phân biệt ba chỉ số này. Hannah truy cập một bài viết trên trang tin điện tử vào lúc 11A.M. từ kết quả trả về của Google search. Cô truy cập thêm hai bài viết khác trên website trong 15 phút đầy, sau đó thoát ra trong giờ nghỉ trưa và quay lại đọc lại trang cuối cùng trước khi thoát ra vào lúc 2P.M. Cô quay trở lại bài viết đầu tiên vào 12 phút cuối. Tất cả những hành động này đều trên cùng một trình duyệt và thiết bị cũng như cô hoàn toàn không xóa cookies.

Users: 1 – Người truy cập vào tất cả các trang web đều được tính là một người bởi Hannah sử dụng cùng một trình duyệt, thiết bị và không xóa lịch sử cookies. 

Sessions: 2 – Session đầu tiên kết thúc khi không có thêm bất kỳ hành động nào trên trang web sau 30 phút (giữa khoảng thời gian Hannah nghỉ trưa). Những truy cập sau đó được tính là một session mới.

Pageviews: 4 – Hannah xem trang tin đầu tiên khi cô click từ kết quả của Google search (1), sau đó cô truy cập thêm hai trang tin khác (2) và quay trở lại trang tin đầu tiên lần thứ hai (1).

Đọc thêm: Các chỉ số bạn nên theo dõi trên website và landing page

4. Tại sao ba chỉ số này quan trọng và vì sao cần đo lường chúng?

Ba chỉ số này đều có ý nghĩa quan trọng khi đo lường hiệu quả lưu lượng truy cập của website. 

User: Có sự khác nhau giữa hành vi trên trang web của new user và returning user, vì vậy, mỗi chỉ số cũng có những ý nghĩa riêng. Ví dụ, với một trang web thương mại điện tử, những người dùng quay trở lại có xu hướng để hoàn thành một đơn hàng hơn so với người dùng mới. 

  • New user: Đo lường người dùng mới có thể giúp bạn tìm ra số người dùng  chuyển đổi thành công ngay trong lần truy cập đầu tiên, từ đó tìm ra vấn đề trong nội dung và yếu tố kỹ thuật của landing page để khắc phục.
  • Returning user: Đo lường người dùng quay lại có thể giúp bạn (1) nắm được tỷ lệ quay lại của người dùng (Retention Rate) và (2) tìm ra số lượng người dùng trung thành. 

Sessions: Theo dõi các chỉ số này trong Google Analytics là một cách đơn giản để biết nội dung người dùng đang truy cập và liệu họ có ở lại để tương tác với website hay thoát khỏi trang hay không. 

Ngoài ra, đo lường chỉ số này cũng giúp tìm ra thời lượng trung bình của một session và những biến động tăng giảm đột biến để tìm ra nguyên nhân và có những điều chỉnh hợp lý. Ví dụ: Khi so sánh session theo tuần bạn biết được rằng nguồn Facebook có nhiều phiên truy cập nhiều nhất, sau đó người dùng có xu hướng truy cập các bài viết khác theo các tag chủ đề nội dung hoặc theo các bài viết gợi ý,… Từ đó bạn có thể có chiến lược tối ưu nguồn Facebook nhiều hơn để gia tăng lượng truy cập và có các điều chỉnh giúp cải thiện internal link theo nhiều cách thức khác,…

Pageviews: Nhìn chung, bạn sẽ muốn user truy cập càng nhiều pageview trong một session càng tốt, bởi điều này chứng minh rằng user truy cập nhiều trang trên website và nội dung của bạn vẫn đang thu hút và điều hướng người đọc tốt. 

Pageviews có sự khác biệt với sessions và users bởi pageview thường tập trung nhiều hơn đo lường hiệu quả của một trang riêng lẻ trong khi hai chỉ số còn lại đo lường hiệu quả của toàn bộ trang web. Điều này không phải lúc nào cũng đúng – nếu bạn có một trang web với số lượng trang và phiên cao, nhưng số lượt xem trang thấp, điều đó có nghĩa là bạn có một sơ đồ trang web cồng kềnh hoặc mọi người không tương tác với các trang sâu hơn.

Trong khi đó, unique pageview lại là một thước đo chính xác hơn về nội dung mà người đọc dừng lại trên trang web của bạn. Bởi unique pageview được tính theo định nghĩa đã loại trừ các lượt tải lại cùng một trang với những sự cố như tốc độ load trang, lượt thoát trang và quay lại ngay lập tức,… Bạn có thể biết những trang nào thực sự đang mang lại nhiều lưu lượng truy cập nhất, từ đó đưa qua quyết định trang nào cần nhắm mục tiêu bằng quảng cáo và CTA.

5. Làm thế nào để theo dõi session, users và pageview trong Google Analytics

Bạn có thể dễ dàng theo dõi số lượng user và session trong Google Analytics khi truy cập Audience Overview Report > Audience > Overview.

Sau đó, bạn có thể nhìn thấy kết quả đo lường của chỉ số user và session trong cùng một bảng.

Bạn có thể đào sâu hơn bằng việc điều hướng tới phần Acquisition > nhấp chọn All Traffic để theo dõi số session, % của session mới, user mới khi truy cập channel, treemaps, source/medium, và referrals. 

Sử dụng bộ lọc Source/Medium không chỉ giúp bạn xác định những nguồn lưu lượng truy cập cao nhất mà còn cung cấp thêm số liệu về mức độ thu hút của mỗi nguồn này.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng bộ lọc Google Ad Campaign để xác định cụ thể các từ khóa trả phí và UTM của chiến dịch. 

Đọc thêm: Các chỉ số quan trọng cần theo dõi để tối ưu SEO cho một website

6. Một số lời khuyên khi phân tích sessions, users và pageviews

Làm rõ mục tiêu của bạn đầu tiên

Alex Arrick của Samurai Social Media đưa ra lời khuyên: “Điều quan trọng là phải xem xét các mục tiêu kinh doanh của bạn khi xem xét số liệu phân tích”. Không chỉ riêng session, users và pageview, với tất cả các số liệu kinh doanh thu thập được, bạn cần đi theo quy trình xác định vấn đề kinh doanh, đặt đúng câu hỏi, xác định mục tiêu kinh doanh và chọn đúng metrics để đo lường những mục tiêu này. Việc này giúp bạn đảm bảo những dữ liệu thu thập được giúp giải quyết đúng vấn đề của doanh nghiệp.

Trích dẫn từ slide khóa học Data Analysis của Tomorrow Marketers | Tham gia khóa học để nắm được quy trình xác định vấn đề và phân tích số liệu cho quyết định chiến lược

Hãy xem với mục tiêu hiện tại, bạn cần ưu tiên phân tích, cải thiện chỉ số nào hơn

Bruce Hogan của SoftwarePundit nói: “Mỗi chỉ số này đều có ý nghĩa riêng. Nếu như phân tích session giúp bạn hiểu hơn về xu hướng chuyển đổi của trang web và mức độ trung thành của người dùng, tức là tần suất người dùng đó truy cập lại trang web của bạn, thì phân tích new user/returning user giúp bạn đo lường tỷ lệ giữ chân (retention rate) hoặc tỷ lệ người truy cập rời đi (churn rate).”

Jason Dodge của BlackTruck cho biết thêm: “Lựa chọn phân tích session hay user còn tùy thuộc vào mục tiêu của trang web. Với mục tiêu thu hút khách hàng tiềm năng hay mục tiêu SEO website, chúng tôi thường phân tích user thay vì session bởi cần ưu tiên số người dùng hơn số lượt/phiên truy cập của một người”. 

Nicholas Chimonas của Local SEO Guide bổ sung: “Trong khi đó, với mục tiêu chuyển đổi, sẽ có một số sản phẩm/dịch vụ high-involvement lại ưu tiên đo lường số session bởi người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin kỹ trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi.”

Đo lường sessions để làm thước đo site engagement 

Theo nhiều chuyên gia, chỉ số session nhấn mạnh vào số lần trang web của bạn được một người quan tâm, truy cập và tương tác. Bạn có thể nghĩ về các session như số lần hiển thị. Cùng một người có thể xem bài đăng trên Facebook của bạn 100 lần, tính là 100 lần hiển thị. Tương tự, nếu một người dùng truy cập trang của bạn 100 lần, nó sẽ được tính là 100 session, coi như họ sử dụng cùng một thiết bị hoặc trình duyệt khi trình duyệt lưu cookie/ID trong phiên của bạn.

Dựa vào số lượng session, bạn có thể khám phá rằng liệu khách truy cập có thấy nội dung website có giá trị liên quan tới họ và dành thời gian để tìm hiểu nội dung đó không, từ đó rút ra những insight về nội dung nên sản xuất để thu hút và giữ họ tương tác với trang web.

Melanie Musson của AutoInsuranceEZ.com cho rằng: “Nếu số session gần với số user, đó là dấu hiệu cho thấy người dùng không bị thu hút bởi nội dung trên trang web của bạn (bởi họ không có nhiều tương tác và truy cập vào các nội dung khác trên website).”

Rahul Mohanachandran của Kasera cho biết thêm, “Nếu số session lớn hơn số user, nội dung trên trang web đang có mức độ tương tác cao. Tuy nhiên, nếu phần lớn các session có thời lượng ngắn, đây có thể là dấu hiệu cho thấy khách truy cập đang gặp phải một số vấn đề như internal link không liên quan, sơ đồ cấu trúc trang phức tạp, search bar không hiển thị nội dung người dùng muốn tìm kiếm,… 

Đảm bảo rằng trang web đang thu hút những traffic có chất lượng

Ben Johnston đưa ra lời khuyên: “Khi số lượng user và session tăng lên (đây thường là một dấu hiệu tốt tùy thuộc vào kênh mà họ truy cập), bạn vẫn cần quan tâm tới chất lượng của lưu lượng truy cập tới trang web có đủ tiêu chuẩn hay không. Liệu tỷ lệ phần trăm người dùng thực hiện hành động như mua hàng, đăng ký nhận newsletter là bao nhiêu? Bởi session và user sẽ không có giá trị nếu tất cả đều là lưu lượng truy cập ảo và không chuyển đổi.”

Sử dụng sessions và pageviews để đo lường ROI của chiến dịch marketing trả phí

Golpar Saleh của Group3 Digital Agency cho rằng: “Nếu bạn muốn biết các nỗ lực Marketing đang đem lại hiệu quả như thế nào, bạn nên theo dõi unique pageview và session để biết có bao nhiêu khách hàng tiềm năng mới và mức độ thu hút của trang web/sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.” 

Nhóm các nội dung theo phân tích session của các trang web

Chris Gadek của AdQuick cho biết: “Chúng tôi muốn theo dõi rất kỹ các session để biết người dùng ở lại một trang nhất định trong bao lâu và liệu họ có nhấp vào liên kết trong trang đó để truy cập nội dung tương tự khác hay không. “Điều này giúp chúng tôi tạo nhóm nội dung (silo) tốt hơn và đảm bảo rằng người dùng có thể tìm thấy tất cả thông tin mà họ có thể thấy có lợi.” 

Phân tích mối quan hệ giữa nhiều chỉ số thay vì phân tích mức độ biến động riêng lẻ

Trong quá trình làm việc, nhiều người gặp phải tình huống chỉ số pageview vẫn giữ ở mức ổn định nhưng chỉ số user lại sụt giảm mạnh mà không biết nguyên nhân ở đâu bởi mọi thứ đều không thay đổi.

Để tìm ra vấn đề, bạn có thể xem chỉ số time on site và session duration có tăng không. Nếu hai chỉ số này tăng, có thể nguyên nhân của tình huống trên là bởi user có hứng thú, quan tâm và tìm hiểu thêm thông tin về mình. Dù vậy, điều này cũng có thể là mặt trái khi doanh nghiệp chuyển đổi kém hiệu quả, user gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp cuối cùng để mua hàng.

Trong khi đó, việc pageview duy trì và user giảm lại là một kết quả không tốt. User là chỉ số quan trọng căn bản để đánh giá performance. Nếu user đc duy trì ở mức cũ, và với tỉ lệ view page tăng như hiện tại, doanh nghiệp xứng đáng có mức pageview cao hơn thay vì duy trì. 

Tạm kết

Đứng giữa một biển dữ liệu Digital, làm thế nào để phân biệt các chỉ số, chọn ra đâu là chỉ số quan trọng cần được phân tích và làm thế nào để đo lường chúng không phải cách dễ dàng. Điều quan trọng là các marketer cần nắm chắc ý nghĩa của từng chỉ số và biết cách kết nối những số liệu này để tìm ra biến động, nguyên nhân của vấn đề và đưa ra các đề xuất cải thiện. 

Tham gia ngay khóa học Data Analysis tại Tomorrow Marketers để trang bị tư duy phân tích các nhóm dữ liệu Digital Data, Customer Data, Sales Data và Finance Data, từ đó biết cách chọn số, đọc số và phân tích báo cáo để rút ra insight cho các đề xuất hành động!

Bài viết bởi databox và được biên dịch bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

The post Sessions, Users và Pageviews có gì khác nhau? appeared first on Tomorrow Marketers.



source https://blog.tomorrowmarketers.org/sessions-users-pageviews-co-gi-khac-nhau/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Điểm “lợi và hại” khi Nam Tiến làm Marketing

Bán hàng trước hay xây dựng thương hiệu trước? Lúc nào doanh nghiệp mới cần “Build Brand”?

SEO Onpage (Phần 2) – Các bước tối ưu SEO URL