05 chỉ số đánh giá để lựa chọn từ khóa SEO hiệu quả

Tomorrow Marketers –  Sau khi sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa, bạn sẽ có trong tay rất nhiều từ khóa và ý tưởng cho các bài viết mới. Thế nhưng làm thế nào để biết đâu mới là từ khóa tốt nhất? 

Lúc này bạn cần sử dụng 05 chỉ số đánh giá từ khóa (keyword analyzing) để chọn ra từ khoá SEO hiệu quả trước khi bắt tay vào viết. 

Đọc thêm: Các bước xác định những “topic vàng của làng content” trong SEO

1. Keyword Difficulty

Keyword Difficulty (độ khó của từ khóa – KD) là chỉ số ước tính về độ khó (hay có thể hiểu là mức độ cạnh tranh) để một từ khóa được xếp hạng trên trang đầu tiên của Google. Mức điểm được tính theo đơn vị tỷ lệ phần trăm. Tỷ lệ phần trăm càng cao, từ khóa càng khó để xếp hạng.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới độ khó xếp hạng của từ khóa:

  • Số lượng trung bình của các referring domains trỏ đến các URL đang xếp hạng
  • Tỷ lệ trung bình của các liên kết dofollow / nofollow trỏ đến các liên kết này
  • Điểm authority trung bình của các domain đang xếp hạng 
  • Số lượng (và chất lượng) của các backlinks;
  • Xếp hạng domain (DR); 
  • Độ dài, mức độ liên quan, độ mới của nội dung; 
  • Sử dụng từ khóa mục tiêu, từ đồng nghĩa, thực thể;
  • Search intent;

Đọc thêm: Nguyên tắc E-A-T – Lý giải nguyên nhân đánh giá chất lượng website của Google

Các công cụ khác nhau sẽ có những mức điểm cho các cấp độ khó của từ khóa khác nhau. Với Semrush, công cụ này có 6 cấp độ khó xếp hạng cho một từ khóa: 

  • 0-14 = Rất dễ dàng: Đây là từ khóa có cơ hội cao để bắt đầu xếp hạng với nỗ lực SEO thấp.
  • 15-29 = Dễ dàng: Đây là những từ khóa có cạnh tranh chưa cao. Để xếp hạng cho những những từ khóa này, bạn cần tạo ra nội dung chất lượng tập trung vào mục đích của từ khóa. 
  • 30-49 = Có thể: Để xếp hạng những từ khóa này, bạn sẽ cần nội dung chất lượng, có cấu trúc bài viết được tối ưu hóa tốt. 
  • 50-69 = Khó: Để cạnh tranh cho những từ khóa này, bạn sẽ cần có thêm backlinks chất lượng, song song với việc sản xuất nội dung được tối ưu hóa và có cấu trúc tốt. 
  • 70-84 = Khó: Việc giành được những từ khóa này sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực về số lượng backlinks chất lượng cao cùng với nội dung chất lượng và độc đáo. 
  • 85-100 = Rất khó: Để cạnh tranh cho những từ khóa này, bạn sẽ cần có rất nhiều nỗ lực trong việc sản xuất nội dung chất lượng, và xây dựng liên kết (link building), SEO onpage và phân phối nội dung. 

Trong khi đó, với Ahrefs, công cụ này chỉ chia ra 4 cấp độ:

  • 0-10 = Dễ: Cần <10 referring domains để được xếp hạng trong top 10.
  • 11-30 = Trung bình: Cần 11-36 referring domains để được xếp hạng trong top 10.
  • 31-70 = Khó: Cần 37-200 referring domains để được xếp hạng trong top 10.
  • 71 – 100 = Rất khó: Cần >200 referring domains để được xếp hạng trong top 10.

Đánh giá từ khóa dựa trên Keyword Difficulty như nào?

Nhiều người vẫn cho rằng cần tránh những từ khóa có độ khó cao, thay vào đó ưu tiên những từ khóa có search volume cao và keyword difficulty thấp. 

Điều đó đúng, nhưng chưa đủ, bởi:

  • Số lượng những từ khóa search volume cao và keyword difficulty thấp trong các nội dung ngách là cực kỳ ít. Vì vậy việc tìm được những từ khoá đó sẽ không dễ dàng.
  • Cần lưu ý rằng, chỉ số keyword difficulty không ngăn cản việc bạn xếp hạng cho một từ khóa cụ thể nào. Chính xác hơn, chỉ số này giúp bạn ước tính các nguồn lực cần có để xếp hạng một từ khoá vào top 10. 

Vậy làm thế nào để bạn chọn từ khóa dựa trên việc phân tích độ khó của chúng?

  • Đánh giá keyword difficulty đồng thời với search volume: Việc này sẽ giúp bạn tìm ra những từ khóa có thể mang lại organic traffic cao mà không cần bỏ ra nhiều nỗ lực để xếp hạng.
  • Cân bằng giữa các từ khóa dễ xếp hạng với các từ khóa mất nhiều thời gian xếp hạng: Website của bạn cần có những bước đi đầu tiên với những từ khóa dễ được xếp hạng, từ đó dần dần có thêm backlinks để tạo tiền đề cho những từ khóa cạnh tranh cao hơn.
  • Theo đuổi các từ khóa có KD cao càng sớm càng tốt: Việc này giúp bạn có thêm thời gian để số lượng backlinks và referring domains tăng dần. 
  • Hiểu chính trang web của mình để biết KD như nào là “tốt”: Nếu bạn đang có một high-authority domain, bạn có tiềm năng cao hơn để giành được các từ khóa khó một cách dễ dàng. Ngược lại, nếu bạn có một website hoàn toàn mới, việc SEO cho những từ khóa có độ khó thấp sẽ là chiến thuật tốt hơn để xây dựng authority.

2. Search Volume

Search volume là chỉ số cho biết số lần trung bình một từ khóa được tìm kiếm mỗi tháng. Ví dụ: search volume của từ khóa “thương hiệu là gì” là 2,300 lượt tìm kiếm/tháng tại Việt Nam.

Search volume là một trong những chỉ số quan trọng nhất, giúp bạn xác định mức độ phổ biến của một từ khóa. Search volume dao động bởi nhiều yếu tố – mức độ ngách của nội dung bài viết, ngôn ngữ và mức độ chi tiết của từ khóa đó. 

Đánh giá từ khóa dựa trên search volume như thế nào?  

Lựa chọn các từ khóa đảm bảo cân bằng search volume với keyword difficulty:

  • Từ khóa có search volume thấp thường là những từ khóa đuôi dài (long-tail keyword) và có điểm KD thấp. Những từ khóa này chủ yếu được tìm kiếm dựa trên một vấn đề cụ thể của người dùng. Vì vậy đây là cơ hội để bạn tăng khả năng truy cập và chuyển đổi. 
  • Từ khóa có search volume ở mức vừa phải thường có số lượng tìm kiếm đủ cao mà không quá cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa việc bạn không cần bỏ ra quá nhiều nỗ lực để có thêm các backlink, referring domain,… mà từ khóa vẫn có khả năng lên thứ hạng. 
  • Từ khóa có search volume cao thường là những từ khóa ngắn và được nhiều người tìm kiếm. Vì vậy, những từ khóa này thường được nhiều trang web với nguồn lực lớn nhắm chọn để xếp hạng, dẫn tới việc những từ khóa đó có điểm KD cao. Dù vậy, bạn vẫn cần có những từ khóa này trong chiến lược SEO dài hạn, bởi các từ khóa này có khả năng lên thứ hạng khi số lượng backlinks tăng lên theo thời gian.

Lựa chọn các từ khóa cũng cần dựa theo quy mô và loại hình trang web:

  • Quy mô trang web: Khi mới lập trang web/blog, bạn nên bắt đầu với các từ khóa có search volume và mức độ cạnh tranh thấp. Điều này giúp các trang web của bạn có khả năng xếp hạng ở đầu với những từ khóa dài, tránh việc cạnh tranh với những trang web lớn đã có điểm số authority cao và có số lượng backlinks lớn.
  • Loại hình trang web: Website của bạn là blog? Hay nó là một trang thương mại điện tử? Mỗi loại hình trang web sẽ có các đặc điểm của chiến lược SEO khác nhau tương ứng với các loại search intent khác nhau. Với blog, các SEOer thường chuộng các bài viết “how-to” hoặc cung cấp thông tin nhằm phù hợp với nhu cầu tìm kiếm thông tin – ví dụ các từ khóa có chứa các từ như “hướng dẫn”, “tips”, các câu hỏi “tại sao”,… Trong khi đó, các trang thương mại điện tử sẽ cần làm SEO các từ khóa dựa theo nhu cầu giao dịch – ví dụ các từ khóa có chứa các động từ “mua”, “order”, “giá”,… Vì vậy, nếu bạn có một trang web e-commerce, bạn nên lựa chọn các từ khóa mang tính chất thương mại có search volume đạt mức 1,000 thay vì từ khóa mang tính chất cung cấp thông tin có search volume đạt 10,000.

4 điểm cần lưu ý khi phân tích chỉ số này:

Search volume là số lượt tìm kiếm, không phải số người đã tìm kiếm

Có một số trường hợp một người có thể tìm kiếm từ khóa nhiều lần trong tháng (ví dụ: họ có thể tìm kiếm từ khóa “thời tiết ở Hà Nội” hàng ngày). Những lượt tìm kiếm này đều được cộng dồn vào tổng search volume, mặc dù do cùng một người thực hiện.

Search volume của một từ khóa không cho biết tổng lưu lượng truy cập cho một bài viết

Google có thể trả về cùng một website cho kết quả tìm kiếm của nhiều từ khóa tương đồng. Vì vậy, để dự đoán được tổng lưu lượng truy cập cho một bài viết, bạn cần đo lường traffic potential của nhiều từ khóa tương tự.

Search volume được tính theo mức trung bình năm: 

Search volume là chỉ số trung bình một tháng. Vì vậy, nếu một từ khoá có 120.000 lượt tìm kiếm trong tháng 12 nhưng không có lượt tìm kiếm nào trong 11 tháng còn lại, thì search volume vẫn là 10.000 (120.000/12 tháng).

Điều này không phải là vấn đề lớn đối với các từ khóa có số lượt tìm kiếm trung bình tương đối ổn định trong suốt cả năm. Tuy nhiên, với những từ khóa theo xu hướng hoặc theo mùa, search volume có thể là chỉ số gây hiểu lầm. Vì vậy, bên cạnh việc phân tích search volume, bạn cũng nên kiểm tra biểu đồ xu hướng trong Google Trend. 

Một ví dụ đơn giản giúp bạn dễ hình dung về vấn đề hơn: Hãy thử so sánh xu hướng lượng tìm kiếm của hai từ khóa sau: “content marketing” và “christmas eve”. Từ khóa “content marketing” đã dao động từ 12.000 đến 17.000 lượt tìm kiếm mỗi tháng trong suốt năm. Vì vậy, mức search volume trung bình hàng tháng của từ khoá này đạt 16.000 là một con số hợp lý. Trong khi đó, từ khóa “christmas eve” thì khác. Các tìm kiếm liên quan đến Giáng sinh thường xuyên tăng đột biến vào tháng 12 và giảm xuống 0 vào tháng 2. Vì vậy, search volume sẽ không phản ánh rõ điều này.

Search volume cao không đồng nghĩa với nhiều click:

Mục tiêu của Google là làm hài lòng người dùng của mình ngay khi họ nhận được kết quả tìm kiếm và cố không để họ “lãng phí thời gian” nhấp vào bất kỳ website nào. 

Theo một nghiên cứu gần đây, 2/3 số lượt tìm kiếm trên Google vào năm 2020 đã kết thúc mà không có một cú nhấp chuột. Ví dụ: từ khóa “thời tiết Hà Nội ngày mai” nhận được 37 nghìn lượt tìm kiếm mỗi tháng (trung bình). Nhưng số lần nhấp vào kết quả tìm kiếm (theo Ahrefs) chỉ là 6,3 nghìn. Điều này được cho là bởi người dùng đã có câu trả lời ngay lập tức nhờ answer box của Google mà không cần đọc thêm bất kỳ bài viết nào. Vì vậy, việc mọi người tìm kiếm một thông tin không nhất thiết có nghĩa là họ sẽ nhấp vào bất kỳ kết quả tìm kiếm nào. 

3. Clicks

Clicks cho bạn biết số lượng nhấp chuột trung bình hàng tháng vào kết quả tìm kiếm của một từ khóa. 

Đánh giá từ khóa dựa trên chỉ số clicks như thế nào?

Như đã nói phía trên, một từ khóa có thể có search volume cao nhưng số click thấp. Vì vậy, bạn có thể sử dụng chỉ số này để loại bỏ các từ khoá có search volume cao nhưng không tạo ra traffic.

Bạn cũng nên cảnh giác với những từ khóa mà paid ads có thể “đánh cắp” rất nhiều clicks. Ví dụ: 28% clicks cho từ khóa “máy pha cà phê braun” đến từ paid ads, như vậy, từ khóa đó có thể là mục tiêu tốt hơn cho PPC.

4. Traffic potential

Traffic potential là điểm đánh giá mức độ traffic tiềm năng của các từ khóa biến thể của từ khóa chính.

Nếu bạn đang cân nhắc các từ khóa “tác dụng phụ của cà phê”, hãy thử đo lường hiệu quả bằng công cụ Ahrefs. Kết quả có thể thấy là từ khóa này được ước tính có khoảng 1,000 lượt tìm kiếm và 800 clicks mỗi tháng.

Nếu bạn chọn từ khoá này để xếp hạng, thì web của bạn cũng được xếp hạng luôn cho các từ khoá đồng nghĩa như:

  • Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn uống quá nhiều cà phê – 450 lượt tìm kiếm hàng tháng
  • Ảnh hưởng của việc uống quá nhiều cà phê – 200 lượt tìm kiếm hàng tháng
  • Quá nhiều tác dụng phụ của cà phê – 200 lượt tìm kiếm hàng tháng
  • Tác dụng phụ của việc uống quá nhiều cà phê – 100 lượt tìm kiếm hàng tháng

Theo kết quả nghiên cứu của Ahrefs, cùng một bài đăng, các trang raking top đầu cũng được xếp hạng với 1000 từ khoá có liên quan. Khi người dùng tìm kiếm một trong những từ khóa này, Google có thể trả về kết quả là cùng một trang web. 

Vì vậy, bên cạnh việc đánh giá search volume của một từ khóa, bạn nên đo lường thêm lưu lượng truy cập của các trang web được lên top và kiểm tra xem họ đang xếp hạng cho những từ khóa nào. 

Đánh giá từ khóa dựa trên chỉ số traffic potential như thế nào?

Vậy bài học rút ra ở đây là gì? Bạn cần nhìn vào kết quả xếp hạng hàng đầu để ước tính search volume và traffic potential tiềm năng của chủ đề (trong hầu hết các trường hợp, hai chỉ số này tỷ lệ thuận với nhau).

Chú ý tới chỉ số này sẽ giúp bạn ưu tiên các từ khóa có search volume vừa phải với mức độ cạnh tranh không quá cao nhưng vẫn có tiềm năng tạo ra traffic lớn. Ngoài ra, việc chú ý tới các từ khoá có traffic potential cao nhưng chưa được các trang web đội thủ xếp hạng cũng giúp website của bạn tìm ra các khoảng trống cơ hội đang bị bỏ qua. 

5. Cost Per Click (CPC)

Cost Per Click (CPC) cho biết số tiền nhà quảng cáo sẵn sàng trả cho mỗi lần nhấp vào quảng cáo từ một từ khóa. Đây là chỉ số thường được sử dụng bởi các digital marketer chạy quảng cáo Google Adwords hơn là dành cho các SEOer, nhưng CPC vẫn có thể đóng vai trò như một chỉ số hữu ích để đánh giá giá trị của từ khóa. 

Giá trị CPC có thể biến động dựa trên cơ chế đặt giá thầu. Tức là CPC có thể thay đổi tùy thuộc theo việc nhà quảng cáo tăng hoặc giảm giá thầu của họ. Các giá trị CPC bạn thấy trong các công cụ từ khóa là dữ liệu được thu thập trong một khoảng thời gian nhất định và đã có độ trễ thời gian. Nếu muốn có dữ liệu trong thời gian thực, bạn cần sử dụng Google AdWords.

Bạn cũng cần lưu ý rằng chỉ số CPC có hành động chuyển đổi là một nhấp chuột và truy cập vào trang web, chứ không đảm bảo rằng khách truy cập sẽ thực hiện một giao dịch. Trừ khi bạn có nội dung cực kỳ hấp dẫn, nếu không, bạn có khả năng phải trả hàng trăm đô la cho mỗi người thực hiện bước tiếp theo. 

Ví dụ: từ khóa “cà phê văn phòng” có CPC tương đối cao là 12 đô la. Đó là bởi vì hầu hết những người tìm kiếm đang tìm mua máy pha cà phê cho văn phòng của họ, có thể có giá hàng trăm hoặc hàng nghìn đô la. Nhưng câu chuyện ngược lại đối với “cách pha cà phê espresso ngon”. Đó là bởi vì hầu hết những người tìm kiếm không muốn mua bất cứ thứ gì. Họ đang tìm kiếm thông tin về cách pha cà phê espresso.

Đánh giá từ khóa dựa trên CPC như nào?

CPC là chỉ số mà bạn nên kiểm tra trước khi cố gắng xếp hạng cho một từ khóa trong các chiến dịch quảng cáo. Thậm chí ngay cả khi không chạy quảng cáo, bạn vẫn cần biết giá trị CPC của đối thủ cạnh tranh để lựa chọn các từ khóa có tiềm năng giúp vượt lên trên đối thủ trong kết quả tìm kiếm. 

Giá trị CPC cao phản ánh rằng có một nhóm lớn các nhà quảng cáo đang đấu thầu các từ khóa được xếp hạng cao hơn các kết quả tìm kiếm không phải trả tiền. 

CPC thực tế là số tiền cuối cùng bạn bị tính phí cho một nhấp chuột. Bạn thường bị tính phí ít hơn – đôi khi thấp hơn nhiều – so với CPC tối đa của bạn bởi vì với phiên đấu giá Google Ads, bạn chỉ trả số tiền tối thiểu cần thiết để vượt qua ngưỡng Ad Rank của đối thủ cạnh tranh. Và nếu không có đối thủ cạnh tranh nào ngay bên dưới bạn (ví dụ: nếu không có đối thủ nào khác ngoài bạn đã xóa ngưỡng Ad Rank của họ), bạn chỉ phải trả giá khởi điểm.

Cũng lưu ý rằng tính cạnh tranh của đấu giá quảng cáo có thể ảnh hưởng đến CPC thực tế. Nếu hai quảng cáo cạnh tranh cho cùng một vị trí có Ad Rank có khoảng cách với nhau, quảng cáo có thứ hạng cao hơn sẽ có nhiều khả năng giành được vị trí quảng cáo cũng như phải trả CPC cao hơn.

Đọc thêm: Trọn bộ bí quyết viết bài chuẩn SEO từ A đến Z, tới Google cũng phải gật gù

Tạm kết

Để lựa chọn được từ khóa phù hợp, điều quan trọng bạn cần xác định là mục tiêu của website và chiến lược SEO là gì, đối tượng mục tiêu đang tìm kiếm giải pháp để giải quyết vấn đề nào,… Lúc này bạn mới có thể nhắm chọn từ khóa sát với search intent của họ, đồng thời lên kế hoạch nội dung nuôi dưỡng khách hàng theo phễu nội dung. Tham gia ngay khóa học Content Marketing tại Tomorrow Marketers để trang bị tư duy nghiên cứu sản phẩm, đối thủ, khách hàng và học cách ứng dụng các mô hình, công cụ vào quy trình lên chiến lược content có giá trị chuyển đổi dài hạn.

khóa học content marketing

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

The post 05 chỉ số đánh giá để lựa chọn từ khóa SEO hiệu quả appeared first on Tomorrow Marketers.



source https://blog.tomorrowmarketers.org/cac-chi-so-danh-gia-tu-khoa-seo/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Điểm “lợi và hại” khi Nam Tiến làm Marketing

Bán hàng trước hay xây dựng thương hiệu trước? Lúc nào doanh nghiệp mới cần “Build Brand”?

SEO Onpage (Phần 2) – Các bước tối ưu SEO URL