Thuật toán Youtube đề xuất video thế nào? Tận dụng để giúp video tiếp cận được nhiều người hơn
Tomorrow Marketers – Bạn dành rất nhiều thời gian và công sức đầu tư cho nội dung video trên Youtube, nhưng khi post lên vẫn chẳng có mấy người xem? Nếu bạn đang rơi vào tình trạng này, thì hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu sâu hơn về cách thuật toán Youtube hoạt động để giúp video dễ được Youtube đề xuất hơn nhé!
1. Thuật toán Youtube (Youtube Algorithm) là gì?
Thuật toán Youtube là quá trình nền tảng này thu thập dữ liệu từ người xem và các kênh để biết mỗi người dùng thường hay xem, tương tác với những video nào, từ đó đề xuất đến họ những video mà Youtube cho rằng họ sẽ muốn xem, với mục tiêu là giữ người dùng trên nền tảng càng lâu càng tốt.
2. Thuật toán Youtube hoạt động dựa trên những yếu tố nào?
Thuật toán Youtube hoạt động dựa trên 3 yếu tố:
- Cá nhân hóa: Lịch sử xem và hành động của người dùng trên nền tảng (VD: Người dùng đã từng xem những video gì trong quá khứ, có nhóm video nào thường được xem cùng nhau không, người dùng thường xem kênh, hay chủ đề nào, sở thích của họ có thay đổi theo thời gian không,…).
- Hiệu suất video: Hiệu quả phân phối video (VD: Khi video được đề xuất, người xem phải ứng thế nào, họ nhấn vào xem hay lướt qua video, thời gian xem video dài hay ngắn, học có like hay dislike video không,…).
- Các yếu tố bên ngoài: Bao gồm các yếu tố như chủ đề, đối thủ cạnh tranh, tính thời vụ (VD: Chủ đề video có nhiều người quan tâm không, người xem thích xem kênh của đối thủ hay kênh của bạn hơn, người dùng có đột nhiên quan tâm đến một chủ đề vào một thời điểm nào đó hay không,…).
3. Thuật toán Youtube hoạt động như thế nào?
Nguyên lý hoạt động của thuật toán
Để đề xuất được một danh sách video được “cá nhân hóa” cho người dùng, thuật toán Youtube sẽ phải trải qua 2 bước:
Bước 1: Chọn lọc video
Từ kho dữ liệu video của mình, Youtube sẽ chọn lọc ra một danh sách các video có liên quan nhất với người dùng.
Việc chọn lọc sẽ dựa trên thông tin cá nhân thu thập từ hồ sơ tài khoản của người dùng (Ví dụ: Lịch sử xem, lịch sử tìm kiếm,…), kết hợp với những thông tin bổ sung khác nếu có (ví dụ: từ khóa tìm kiếm người dùng nhập vào).
Bước 2: Xếp hạng video
Từ danh sách được chọn, sẽ dựa trên các yếu tố như lượt views, lượt likes, lượt comments,… để cho điểm mỗi video và đề xuất lần lượt cho người dùng những video có điểm từ cao đến thấp.
Ngoài ra, để tăng thêm tính đa dạng cho đề xuất, Youtube không chỉ đề xuất những video về những chủ đề mà người dùng hay xem, mà còn đề xuất thêm những video về những chủ đề khác, hay từ những kênh ít phổ biến hơn mà người dùng có thể sẽ thích xem, khuyến khích họ khám phá các chủ đề/các kênh khác nhau.
Đọc thêm: Thuật toán Facebook hoạt động thế nào?
Thuật toán thay đổi thế nào tại mỗi vị trí trên nền tảng?
Mặc dù nguyên lý hoạt động là như nhau, thuật toán Youtube sẽ có những sự điều chỉnh để đề xuất video phù hợp với từng vị trí.
Trang chủ (Homepage)
Đây là trang mà người dùng sẽ nhìn thấy đầu tiên khi truy cập vào Youtube, vì vậy để giữ người dùng ở lại và tiếp tục khám phá các video khác trên nền tảng, Youtube sẽ phải đề xuất những video về các chủ đề mà người dùng sẽ cảm thấy hứng thú và có khả năng cao nhấn vào xem.
Để lựa chọn ra được danh sách các video phù hợp nhất, Youtube đầu tiên sẽ dựa vào lịch sử xem của người dùng:
- Họ đã từng xem những video nào trước đây?
- Thể loại video mà họ thường xem là gì? (âm nhạc, vlog, tin tức,…)
- Có kênh hay chủ đề nào mà họ xem thường xuyên không?
- Youtube đã từng hiển thị cho họ những video gì? Họ phản ứng thế nào với video đó?
Thuật toán sẽ đồng thời xem xét đến những người xem có đặc điểm tương tự, xem họ thường xem những chủ đề gì, có điểm chung gì với người dùng này không? Để tìm ra một danh sách những video mà người dùng có thể sẽ thích xem. Sau đó dựa vào tương tác trên mỗi video để xếp hạng và đề xuất đến người dùng.
Đề xuất (Suggested Videos)
Thuật toán trong mục đề xuất khá tương tự với trang chủ, cũng dựa trên những dữ liệu thu thập từ lịch sử xem video, hành vi xem của người dùng,… để “dự đoán” những nội dung, chủ đề mà người dùng muốn xem.
Sau đó, giữa một loạt những video phù hợp, thuật toán sẽ chọn ra những video chất lượng dựa vào những tín hiệu như: Click, Views, Watch time, Comment, Share,… để đề xuất đến người dùng.
Một số loại video mà thuật toán thường đề xuất là:
- Nhóm video thường được xem cùng nhau (playlist)
- Video về cùng chủ đề, hoặc về chủ đề liên quan
- Video người dùng tương tự thường xem
- Video mà người dùng đã từng xem trong quá khứ
Tìm kiếm (Search)
Cách hoạt động của thuật toán trên trang tìm kiếm khá đơn giản, khi một người nhập một từ khóa bất kỳ trên thanh tìm kiếm, thuật toán sẽ ngay lập tức quét trong kho dữ liệu của mình để tìm ra những video phù hợp với những từ khóa. Để biết video phù hợp hay không, Youtube sẽ tìm và đọc hiểu “metadata” của video. Metadata là thông tin mà người sáng tạo video thêm vào mỗi khi đăng tải video như tiêu đề video, tags, phần mô tả, thumbnail,…
Sau khi đã tìm ra những video phù hợp, thuật toán sẽ tiếp tục đánh giá chất lượng video dựa trên tương tác của người dùng với mỗi video. Ví dụ khi bạn nhấn vào 1 video và ở lại xem hết, ngay lập tức thuật toán sẽ nhận được một tín hiệu tích cực về video đó, nếu nhiều người cùng thực hiện hành động như vậy, Youtube sẽ hiểu rằng “đây là là một video chất lượng” và sẽ đề xuất video.
Ngược lại nếu có nhiều người truy cập vào video nhưng vừa vào đã thoát ra luôn thuật toán sẽ hiểu đây là một video kém chất lượng, và sẽ ngưng đề xuất video.
Xu hướng (Trending)
Trang xu hướng của Youtube là trang có chứa danh sách các video mới và phổ biến nhất ở quốc gia nơi người dùng sinh sống, thường là một bài hát mới ra, trailer một bộ phim bom tấn mới, hoặc video đến từ các Người sáng tạo mới nổi (Creator on the Rise) và Nghệ sĩ mới nổi (Artist on the Rise).
Danh sách video này sẽ được quyết định dựa trên:
- Lượt xem video
- Tỷ lệ tăng lượt xem
- Lượt xem đến từ quốc gia nào
Kênh đăng ký (Subscriptions)
Đây là nơi người dùng có thể xem các video từ tất cả các kênh mà họ đã đăng ký, bao gồm những video nổi bật và những video mới được đăng tải gần đây.
Để xếp hạng và chọn lựa ra một danh sách các video để đề xuất đến người dùng, thuật toán Youtube sẽ dựa vào một chỉ số gọi là view velocity – chỉ số đo lường số người xem video ngay khi video vừa được đăng tải. Video có số lượng người xem khi vừa đăng tải càng cao thì càng có cơ hội được ưu tiên xuất hiện đầu tiên trên trang kênh đăng ký của người dùng.
Ngoài ra, thuật toán cũng sẽ xem xét thêm số lượng người theo dõi mà mỗi kênh có để xếp hạng video.
3. Thuật toán Youtube Shorts hoạt động thế nào?
Cách hoạt động của Youtube Shorts khá tương tự với thuật toán đề xuất video trên TikTok.
Ban đầu, khi một nhà sáng tạo nội dung đăng tải video lên Shorts, Youtube sẽ thông báo đến một nhóm những người follow kênh đây là nhóm người có khả năng cao sẽ xem và tương tác với video nhất.
Sau đó, thuật toán sẽ đánh giá video dựa trên những tín hiệu như: Like, Comments, và Tỷ lệ giữ chân người xem. Nếu video nhiều lượt like, bình luận, và tỷ lệ giữ chân người dùng tốt, Youtube sẽ tiếp tục phân phối rộng rãi đến nhiều người xem khác, bất kể họ có theo dõi kênh hay không thông qua các vị trí khác nhau trên nền tảng như trang chủ, đề xuất, xu hướng, shorts,…
4. Một số tips giúp bạn tận dụng thuật toán Youtube
Khai thác dữ liệu người dùng từ Youtube
Mục tiêu cuối cùng của thuật toán Youtube là giữ người dùng ở trên nền tảng càng lâu càng tốt, vì vậy thuật toán đề xuất sẽ dựa trên lịch sử xem video, hành vi của người dùng để dự đoán những nội dung mà họ hứng thú.
Nếu bạn biết được những thông tin này, bạn sẽ dễ dàng tạo ra những video có nội dung về những chủ đề mà người dùng muốn xem, tăng cơ hội được đề xuất.
Youtube Analytics hiện đang cung cấp cho bạn dữ liệu về:
– Những kênh tương tự mà khán giả của bạn đã xem (trong 28 ngày)
– Các video khác mà khán giả của bạn đã xem (trong 7 ngày)
Mặc dù không quá nhiều, nhưng bạn hoàn toàn có thể dựa vào những thông tin này để tìm hiểu những nội dung mà người dùng quan tâm, từ đó tìm ra những chủ đề “hay ho” để tạo ra video.
Đọc thêm: Youtube marketing – 9 chỉ số quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động kênh
Tối ưu Metadata
Ngoài việc bạn cần phải điền đầy đủ và tối ưu những mục như tiêu đề video, tags, phần mô tả, chọn một hình ảnh thumbnail thật hấp dẫn, có một tính năng khá hay mà bạn có thể tìm hiểu đó là “Video Chapters”. Hiểu một cách đơn giản, đây là tính năng cho phép chia nhỏ thanh Timeline thành nhiều đoạn nhỏ, giống như mục lục, giúp người dùng có thể dễ dàng tua nhanh đến đoạn mà họ quan tâm.
Tính năng này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng, mà còn cung cấp cho thuật toán thêm thông tin cụ thể về từng mục trong video của bạn, giúp thuật toán hiểu hơn về nội dung video, từ đó đưa ra đề xuất chính xác hơn nếu video của bạn thật sự liên quan.
Thúc đẩy người dùng xem thêm những video khác
Thuật toán Youtube sẽ đề xuất video dựa trên những video mà người dùng đã từng xem trong quá khứ, người dùng càng xem nhiều video từ bạn, khả năng video của bạn sẽ tiếp tục được đề xuất đến người dùng sẽ càng cao.
Có một vài cách bạn có thể tham khảo để kêu gọi người dùng xem thêm các video khác từ kênh của bạn:
- Comment link những video nổi bật của bạn và ghim ở ngay đầu phần bình luận để người dùng có thể dễ dàng truy cập khi đọc bình luận.
- Gộp những video có những chủ đề tương tự nhau, hoặc những video được xem nhiều nhất thành một playlist
- Sử dụng tính năng End Screen của Youtube để gợi ý cho người dùng những video liên quan bạn muốn họ tiếp tục xem
Tận dụng Youtube Short
Giống Instagram Reels hay Facebook Reels, Youtube Short được ra đời để cạnh tranh với TikTok. Youtube đang dồn rất nhiều nguồn lực và sự chú ý của mình vào tính năng này, và đương nhiên thuật toán của Youtube cũng sẽ ưu tiên hơn cho các video dạng ngắn này.
Nếu bạn vào thử Youtube, bạn sẽ thấy Youtube Shorts đang được hiển thị nhiều vị trí khác nhau như: Homepage, YouTube search và Shorts tab,…, vì vậy mà nếu bạn muốn tăng đề xuất cho video, Youtube Shorts sẽ là một hình thức không thể bỏ qua.
Đọc thêm: Tips tận dụng thuật toán phân phối của TikTok để video trở nên viral
Kết luận
Trên là cách mà thuật toán Youtube đề xuất nội dung. Hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trong việc xây dựng nội dung và phát triển kênh Youtube.
Để tìm hiểu thêm về các nguyên lý, cách thức vận hành của các nền tảng digital, và cách vận dụng những kiến thức này để lập kế hoạch digital marketing, tham khảo thêm khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers nhé!
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!
The post Thuật toán Youtube đề xuất video thế nào? Tận dụng để giúp video tiếp cận được nhiều người hơn appeared first on Tomorrow Marketers.
source https://blog.tomorrowmarketers.org/thuat-toan-youtube-de-xuat-video-the-nao/
Nhận xét
Đăng nhận xét