Cần chuẩn bị gì để trở thành một content freelancer?

Tomorrow Marketers – Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều marketers trẻ lựa chọn đi theo con đường content freelancer, bởi những “đặc quyền” hấp dẫn như được tự do “làm chủ”, có cơ hội được trải nghiệm nhiều dự án mà không chịu sự cam kết gò bó với tổ chức nào. Tuy nhiên, cũng như bao công việc khác, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng cũng rất dễ nhận “trái đắng”. Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu những “hành trang” bạn cần có nếu muốn trở thành một content freelancer nhé!

1. Cần chuẩn bị gì cho sự nghiệp content freelancer? 

Xác định “vùng hoạt động”

Riêng phạm trù của Content Marketing cũng có rất nhiều loại nội dung chia theo định dạng, nền tảng như freelance content website SEO, content trên social media, kịch bản video, content cho post quảng cáo,… Chưa kể, nhiều content writer còn chỉ tập trung viết cho một số ngành hàng nhất định mà họ quan tâm hoặc đòi hỏi sự hiểu biết sâu, ví dụ như ngành y tế, công nghệ hay giáo dục,… Hãy bắt đầu với những thể loại, lĩnh vực bạn đã có kinh nghiệm và là thế mạnh của bản thân, đồng thời dần dần thử nghiệm các dự án nhỏ khác để mở rộng giới hạn hoạt động. 

Cải thiện kỹ năng chuyên môn

Kỹ năng viết

Khi sắm vai một content freelancer, kỹ năng đầu tiên bạn cần hoàn thiện chính là khả năng viết lách. Tuy nhiên, chỉ viết “văn hay chữ tốt” thôi là chưa đủ. Bạn phải đảm bảo bài viết có cấu trúc rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, mọi lập luận cần chặt chẽ, logic. 

Đọc thêm: Công thức PAS trong Content Marketing – Để nội dung “gãi đúng chỗ ngứa” của khách hàng

Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng đòi hỏi ở các content freelancer là khả năng linh hoạt giọng văn để phù hợp với từng bối cảnh, ngành hàng. Chẳng hạn, ngành hàng công nghệ cần diễn đạt gãy gọn, khách quan, tập trung vào các tính năng, giải pháp, trong khi ngành hàng mẹ và bé lại ưu tiên lối viết như chuyện trò, giọng điệu thủ thỉ tâm tình. Thậm chí, ngay trong cùng 1 ngành hàng, tone & voice của các thương hiệu cũng sẽ có những khác biệt, phụ thuộc vào “cá tính” mà thương hiệu ấy muốn định vị. Cùng là các ứng dụng quản lý hiệu suất công việc, thương hiệu hướng đến nhóm người dùng là học sinh, sinh viên cũng sẽ được xây dựng tính cách trẻ trung, năng động như những người bạn đồng hành. Trong khi thương hiệu dành cho những người làm văn phòng, quản trị doanh nghiệp sẽ cần đóng vai một “chuyên gia” đầy uy tín, tin cậy. Tone & Voice của mỗi thương hiệu khác nhau sẽ quyết định họ nên khai thác các chủ đề nội dung gì với thái độ ra sao.

Đọc thêm: Tuyển content writer hay tuyển…học sinh giỏi văn?

Ngoài ra, content freelancer cũng nên “bỏ túi” một vài bí kíp giúp thu hút sự chú ý của người đọc, tạo điểm nhấn cho bài viết để có khả năng lôi cuốn họ tới cuối bài viết, ví dụ như kỹ năng kể chuyện (storytelling), sử dụng các yếu tố tâm lý (xoáy vào nỗi sợ, tâm lý FOMO), tận dụng nghệ thuật “bắt trend”,…

Đọc thêm: Copywriting – làm sao giữ chân độc giả tới cuối bài viết?

Kỹ năng nghiên cứu thị trường, khách hàng 

Điểm đặc trưng trong công việc của content freelancer là họ không trực tiếp làm việc cho một công ty hay ngành hàng cụ thể nào. Điều này cũng tạo nên một rào cản cho nhiều người khi phát triển nội dung bởi họ chưa nắm bắt được những insight ngành hàng hay nhu cầu người tiêu dùng.  Do đó, khi bắt đầu sự nghiệp content freelancer, hãy chủ động mở rộng vốn hiểu biết ở những ngành hàng, lĩnh vực mà bản thân hay làm trước. Rất nhiều thông tin hữu ích có thể cập nhật thông qua các trang báo, blog chuyên môn, báo cáo thị trường hay thậm chí là trên website/ mạng xã hội của những thương hiệu dẫn đầu, người ảnh hưởng (KOL) trong ngành đó. 

Một số tips giúp quá trình research của bạn hiệu quả hơn:   

  • Khi đọc các kết quả nghiên cứu, bài viết chuyên môn, hãy lưu ý đến các kết luận chung về xu hướng, thuật ngữ chuyên ngành để ứng dụng vào bài viết của mình cho chính xác. 
  • Nên tham khảo các bài viết đã đăng tải cũng có góc khai thác hay chủ đề tương tự. Bạn cũng có thể đọc thêm các nội dung trong cùng dự án để hiểu hơn về bối cảnh dự án hoặc thông điệp mà thương hiệu muốn nhấn mạnh
  • Nghiên cứu khách hàng: Phác họa xem khách hàng của thương hiệu này gồm những nhóm khách hàng mục tiêu nào? Bài viết của bạn sẽ nhắm đến đối tượng nào, có đặc điểm, nhu cầu gì, từ ấy điều chỉnh thông điệp, cách phát triển nội dung cho phù hợp. 

Kỹ năng lập kế hoạch và phát triển ý tưởng 

Nếu chỉ dừng lại ở việc “khách giao gì thì viết nấy”, các content freelancer sẽ rất dễ bị chững lại, khó mở rộng cơ hội công việc. 

Muốn tự phát triển kỹ năng lên kế hoạch, trước hết hãy tập nghiên cứu và phân tích các dự án thực tế. Mỗi bài viết với chủ đề, loại hình nội dung và kênh phân phối sẽ đóng một vai trò, chức năng riêng. Bạn nên tổng hợp lại các tuyến content mà thương hiệu đã triển khai, xâu chuỗi xem chúng phù hợp ở giai đoạn nào trên hành trình khách hàng. Khi đã có cái nhìn toàn diện về content mapping, thông điệp cho từng giai đoạn và các nhóm khách hàng, bạn sẽ có định hướng để thử phát triển tiếp các ý tưởng mới cho dự án này

Đọc thêm: Content Mapping là gì? Làm sao để phân phối nội dung đúng người đúng thời điểm?

Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tạo 1 dự án cá nhân để nâng cao khả năng lập kế hoạch. Hãy bắt đầu bằng việc lựa chọn ra 1 lĩnh vực mà bạn yêu thích, Xác định công chúng mục tiêu và nhu cầu thông tin của họ, Sử dụng các công cụ hỗ trợ để nghiên cứu từ khóa và xác định các topic lý tưởng,… Với cách này, bạn hoàn toàn có thể đánh giá được ngay tính khả thi của những kế hoạch mình đề ra. 

Bổ sung kỹ năng mềm

Kỹ năng tổ chức công việc và sắp xếp thời gian

Sai lầm mà các freelancer thường xuyên mắc phải là không thống nhất được quy trình làm việc và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể tham khảo các phần mềm nhắc nhở hoặc các công thức hỗ trợ quản lý hiệu suất làm việc, tiêu biểu như Ma trận Eisenhower, Phương pháp Kanban,…

Khác với To-do list chỉ đơn thuần liệt kê ra các công việc cần làm, phương pháp Eisenhower sẽ dựa trên 2 tiêu chí: Độ quan trọng và Độ khẩn cấp để phân chia các công việc của bạn sẽ vào 4 nhóm theo thứ tự ưu tiên. Phương pháp này sẽ rất phù hợp với những người thường hay rối trí khi phải xử lý quá nhiều việc riêng lẻ cùng một lúc.

Đối với những ai phải xử lý các công việc theo 1 quy trình cố định (chẳng hạn luôn phải đi qua các bước nhận brief, xử lý brief và nghiên cứu tài liệu, đề xuất outline, viết bài, góp ý và chỉnh sửa), phương pháp Kanban sẽ là sự lựa chọn tối ưu hơn. Phương pháp này sẽ trực quan hóa các giai đoạn của quá trình làm việc thành các cột song song. Mỗi một công việc sẽ tương ứng với một “thẻ tên”, mỗi khi công việc đang được xử lý ở giai đoạn nào, thẻ tên sẽ được kéo đến cột tương ứng. Nhờ vào đó, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan xem mình có bao nhiêu việc cần làm, chúng đang ở trạng thái nào, bao giờ cần hoàn thiện và chuyển sang giai đoạn tiếp theo,… Một số ứng dụng phổ biến hiện nay như Trello, Base Workflow,… đang sử dụng phương pháp Kanban còn hỗ trợ người dùng thiết lập thời hạn xử lý công việc ở mỗi giai đoạn, thông báo nhắc nhở cho các đầu việc trễ deadline,…

Kỹ năng quản lý bản thân, tự tạo động lực

Khi làm việc tự do, chúng ta sẽ hoàn toàn tự chủ về mọi mặt mà không cần chịu cảnh có người thúc giục công việc hay phải tuân thủ những quy định về giờ giấc. Tuy nhiên, sự thoải mái này cũng rất dễ biến thành một “cái bẫy” khiến content freelancer mất dần tính kỷ luật, sinh những thói quen xấu như thích trì hoãn, hay lơ đãng, nhận việc theo cảm hứng…

Để tránh tình trạng này, content freelancer nên tự xây cho mình một số quy tắc nhất định, ví dụ như làm việc tối thiểu bao nhiêu giờ 1 ngày và 1 tuần, ưu tiên những khung giờ dành để làm việc, ngày thứ mấy trong tuần dành cho việc học tập, nghiên cứu để phát triển thêm các kỹ năng phục vụ cho công việc,…

2. Một vài lời khuyên cho content freelancer khi làm việc với khách hàng

Làm rõ những điều khoản công việc ngay từ ban đầu 

Do tính chất không ràng buộc của công việc tự do nên đối với từng khách hàng, bạn lại càng phải minh bạch các điều khoản công việc để đề phòng các trường hợp khách hàng thay đổi deadline đột xuất hay đưa dần nhiều yêu cầu nhỏ nhặt vào công việc nhằm không phải trả thêm tiền…

Một số yếu tố bạn cần thống nhất với khách hàng sẽ bao gồm: 

  • Thời gian: Các mốc thời gian từ lúc content freelancer nhận brief, nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, nhận góp ý chỉnh sửa và hạn thanh toán các khoản tiền của dự án,… 
  • Phạm vi công việc: Dự án này yêu cầu bạn thực hiện những công việc gì? Phải nghiên cứu và tự đề xuất định hướng nội dung hay chỉ viết trên các dữ liệu và dàn ý có sẵn? Bởi mức độ phức tạp của công việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khoản chi phí bạn được nhận cuối cùng, bạn nên liệt kê ra tất cả công việc bạn cần triển khai để có được thành phẩm cuối cùng như khách hàng yêu cầu, cùng với chi phí cho từng hạng mục. 
  • Chi phí báo giá và thực nhận: Khi làm việc với các doanh nghiệp dưới danh nghĩa freelancer, bạn cần lưu ý rằng khoản thù lao cuối cùng được nhận sẽ chỉ gồm 90% trên tổng báo giá (10% còn lại sẽ được công ty khấu trừ để đóng vào thuế thu nhập cá nhân cho freelancer). 

Và điều quan trọng nhất là mọi điều khoản thống nhất hay chỉnh sửa, bổ sung này đều cần được ghi chép lại cẩn thận, lưu trữ tại luồng email trao đổi công việc hoặc văn bản hợp tác để tránh những nhầm lần sau này. 

Thường xuyên cập nhật tiến độ công việc rõ ràng, minh bạch

Nhiều marketers cho rằng, một trong những lý do hàng đầu khiến họ cảm thấy khó chịu khi làm việc cùng các freelancer chính là việc rất khó kiểm soát tiến độ công việc với họ. Đôi lúc, freelancer sẽ “mất tích” mấy ngày trời, và chỉ xuất hiện khi đã sát – thậm chí là quá deadline để gửi lại một sản phẩm nhiều khi còn không đạt yêu cầu. 

Ở mức cơ bản nhất, hãy lựa chọn một kênh liên lạc để thuận tiện trao đổi, cập nhật thông tin thường xuyên với khách hàng (ngoại trừ email bởi đây là kênh “ít tính cam kết” buộc người dùng phải phản hồi ngay tức khắc). Thay vì chỉ lẳng lặng làm việc và gửi lại kết quả, bạn nên duy trì tần suất trao đổi với khách hàng mỗi ngày 1 lần để thể hiện sự chủ động, đáng tin cậy và cũng là cách giúp tháo các nút thắt trong công việc. Ở mức độ chuyên nghiệp hơn, bạn có thể tự động cập nhật trạng thái công việc với khách hàng qua các nền tảng quản lý công việc nói chung. 

Duy trì liên lạc và thường xuyên tương tác với khách hàng cũ

Duy trì tương tác sẽ là chìa khóa để bạn có cơ hội hợp tác với các khách hàng tiềm năng ở những dự án dài hạn. Hãy bắt đầu tạo dựng mối quan hệ với khách hàng hiện tại bằng cách trao đổi thẳng thắn với họ về những ưu – nhược điểm bạn rút ra được qua lần hợp tác gần nhất, một vài đề xuất từ góc nhìn của bạn,… Ngoài ra, việc quan tâm đến những dịp đặc biệt như ngày thành lập thương hiệu, doanh nghiệp ra sản phẩm mới, nhận được giải thưởng đặc biệt,… và gửi lời chúc mừng cũng là cách thể hiện sự quan tâm đầy tinh tế giúp bạn nuôi dưỡng mối quan hệ với clients. 

Đọc thêm: Kinh nghiệm làm việc với content freelancer: làm sao để tuyển dụng, đào tạo và giữ chân người tài?

Tạm kết

Càng mong muốn làm việc tự chủ, độc lập, bạn sẽ càng phải trang bị cho bản thân nhiều kiến thức, kỹ năng cứng lẫn mềm để đảm bảo có thể đi đường dài cùng công việc mà mình đã lựa chọn. Hơn hết, dù là một content marketer làm việc tự do hay dưới trướng một công ty, nếu không có tư duy, kiến thức bài bản, bạn sẽ mãi dậm chân ở vị trí “thợ viết” bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển đang rộng mở. Hãy tham khảo khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketers ngay hôm nay để học cách lập chiến lược và sản xuất nội dung đa kênh một cách hiệu quả nhé!

khóa học content marketing

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

The post Cần chuẩn bị gì để trở thành một content freelancer? appeared first on Tomorrow Marketers.



source https://blog.tomorrowmarketers.org/can-chuan-bi-gi-de-tro-thanh-content-freelancer/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Điểm “lợi và hại” khi Nam Tiến làm Marketing

Bán hàng trước hay xây dựng thương hiệu trước? Lúc nào doanh nghiệp mới cần “Build Brand”?

SEO Onpage (Phần 2) – Các bước tối ưu SEO URL