Sử dụng Interest targeting để tối ưu quảng cáo Facebook như thế nào?
Tomorrow Marketers – Chọn nhiều interests thì quảng cáo khó phân phối, CPM bị đẩy cao. Chọn ít thì lại sợ không tiếp cận tới đúng đối tượng, lãng phí tiền. Đây có lẽ là “nỗi trăn trở” của nhiều digital marketers mỗi khi nhắm mục tiêu chạy ads. Vậy làm thế nào để giải quyết được bài toán khó này? Làm sao để thiết lập nhóm đối tượng cho quảng cáo Facebook một cách hợp lý? Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Facebook interest targeting vận hành như thế nào?
Trước hết, hãy cùng tìm hiểu một khái niệm: Facebook interest targeting. Facebook interest targeting còn được gọi là quảng cáo Facebook dựa theo sở thích/mối quan tâm. Đúng theo như tên gọi của nó – quảng cáo này sẽ nhắm mục tiêu dựa trên những chủ đề bạn quan tâm.
Đã bao giờ bạn rơi vào trường hợp vừa nhắn tin, nói chuyện với bạn bè về một chủ đề (ví dụ: du lịch Đà Lạt), chỉ một lúc sau thôi khi lướt newsfeed, bạn đã bắt gặp hàng tá những bài quảng cáo liên quan đến chủ đề đó chưa?
Đây chính là cách Facebook interest targeting hoạt động, Facebook sẽ dựa trên lịch sử hoạt động của bạn để thu thập những thông tin như: sở thích, tìm kiếm, tương tác trong quá khứ (trên Facebook hoặc những nền tảng mạng xã hội khác), từ đó phân phối những quảng cáo có liên quan đến với bạn.
Đọc thêm: Quảng cáo Facebook cho phép nhắm chọn mục tiêu như thế nào?
2. Khi nào bạn nên sử dụng Facebook interest targeting?
Khi mới bắt đầu chạy quảng cáo
Facebook interest targeting là công cụ đặc biệt hữu ích với những doanh nghiệp mới bắt đầu chạy quảng cáo. Bởi lúc này bạn vẫn chưa có đủ dữ liệu (pixel data) để cung cấp cho thuật toán của Facebook, pixel chưa thể giúp bạn tìm đối tượng mục tiêu trong thời gian này.
Với công cụ Facebook interest targeting, bạn có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu của Facebook và tận dụng những thông tin về sở thích, mối quan tâm của người dùng, từ đó đưa ra được chân dung đối tượng quảng cáo bạn muốn hướng đến. Điều này sẽ giúp bạn giải quyết bài toán về sự hạn chế của những dữ liệu mà bạn hiện có.
Khi đã thu thập đủ lượng dữ liệu giúp Facebook hiểu đối tượng, bạn có thể tham khảo thêm những cách target khách hàng khác nhau như targeting lookalike (nhắm vào các tệp đối tượng tương tự với tệp khách hàng hiện tại) và tạo ra custom audience (đối tượng sẵn có mà bạn tìm thấy trên Facebook thông qua các nguồn khác nhau như danh sách khách hàng, website, tương tác trên Facebook,…)
Đọc thêm: Vì sao bạn nên chi tiền vào quảng cáo Facebook Lookalike
Khi chạy quảng cáo cho thị trường ngách
Ngoài đối tượng những doanh nghiệp mới chạy quảng cáo chưa có lượng data đủ lớn để xác định rõ đối tượng mục tiêu, Facebook interest targeting đặc biệt phù hợp với những doanh nghiệp hướng đến những thị trường ngách. Bởi đối tượng mục tiêu trong thị trường ngách thường hẹp và có thể được xác định chân dung của họ dễ dàng qua những sở thích chung, mối quan tâm về thương hiệu,…
Trong trường hợp này, kể cả khi bạn đã có dữ liệu đầy đủ, interest targeting vẫn có thể được sử dụng để tạo ra sự đa dạng, mở rộng thêm tệp đối tượng khách hàng của bạn.
Đọc thêm: Cách sử dụng Facebook để nghiên cứu đối tượng mục tiêu
Ngày nay, hành vi con người nhanh chóng được số hoá, và việc của các digital marketers là nắm bắt mọi dữ liệu digital để tối ưu mọi điểm chạm chuyển đổi. Khám phá thêm về sức ảnh hưởng của số hoá tới quá trình làm Marketing hiện đại, hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu qua video dưới đây:
3. Cách nhắm mục tiêu cho Facebook interest targeting
Có 2 cách thường được sử dụng để thiết lập nhóm đối tượng cho quảng cáo Facebook:
Nhắm mục tiêu dựa trên từng sở thích
Điều này có nghĩa là với mỗi quảng cáo, bạn sẽ nhắm chọn dựa trên 1 sở thích riêng biệt.
Ưu điểm của cách làm này là nó sẽ cung cấp cho bạn nhiều insight có giá trị. Bởi bạn chỉ thử nghiệm từng sở thích riêng lẻ, bạn sẽ ngay lập tức biết được nhắm vào sở thích nào thì hiệu quả, sở thích nào thì kém hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là nó khiến bạn mất nhiều thời gian và tốn kém hơn so với việc kết hợp nhiều sở thích cùng một lúc.
Kết hợp nhiều sở thích lại để nhắm mục tiêu
Giải pháp thứ 2 được nhiều nhà quảng cáo lựa chọn đó là kết hợp nhiều sở thích, mối quan tâm để tạo thành một chân dung khách hàng mục tiêu mới.
Mặc dù không cung cấp được insight cụ thể về việc sở thích nào thì hiệu quả, sở thích nào thì kém hiệu quả hơn như cách làm đầu tiên, đây lại là giải pháp giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
4. Một số lời khuyên giúp sử dụng Facebook interest targeting hiệu quả hơn
Để sử dụng Facebook interest targeting hiệu quả hơn, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau
Xác định độ lớn của tệp đối tượng mục tiêu
Không có một con số hay quy định cụ thể nào về quy mô tệp khách hàng phải lớn hay nhỏ mới có hiệu quả. Mà độ lớn của nhóm đối tượng sẽ phụ thuộc vào mục tiêu, thị trường, và nhiều yếu tố khác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Facebook, có thể đi theo hướng nhắm chọn rộng rồi sau đó áp dụng thêm interest targeting, có thể tách thành các ad groups để thử nghiệm xem tệp nào tiềm năng hơn và tìm ra quy mô của nó.
Bên cạnh đó, hiện tại Machine learning và Artificial Intelligence của Facebook đã rất tốt, nên bạn có thể thiết lập target rộng, chạy 1 Ads để Facebook học từ 2-3 ngày rồi sẽ tự tối ưu tới với tệp người phù hợp. Bên cạnh đó, việc chăm làm ‘organic content’, nuôi dưỡng followers cũng giúp Facebook dễ nhận diện được tệp khách hàng quan tâm tới ngành hàng và dịch vụ của bạn được tốt hơn. Vì vậy, bạn có thể cân nhắc đầu tư thêm hệ thống content marketing.
Loại trừ đối tượng (exclude audiences)
Khi chạy các chiến dịch quảng cáo nhắm tới đối tượng mới (chưa mua hàng của bạn), việc loại trừ những khách hàng hiện tại là rất quan trọng. Nếu mục tiêu của bạn là giới thiệu thương hiệu tới những người mới, bạn nên dành ngân sách quảng cáo vào tệp đối tượng chưa biết đến thương hiệu. Facebook cũng có chức năng loại bỏ các tệp đối tượng dựa trên nhân khẩu học (demographics), hành vi (behavior) và sở thích (interests).
Kết hợp interest targeting với nhân khẩu học và hành vi
Bạn có thể thu hẹp các lựa chọn targeting bằng cách kết hợp những sở thích (interests) phù hợp với dữ liệu về nhân khẩu học (demographics) và hành vi (behaviors). Điều này sẽ giúp bạn có được một tệp đối tượng cụ thể hơn và tính hiệu quả của targeting cũng được tăng lên.
Ví dụ, doanh nghiệp của bạn bán trang sức và bạn muốn quảng cáo cho sản phẩm dây chuyền của mình. Bên cạnh việc target vào những đối tượng quan tâm đến dây chuyền, bạn có thể target thêm tới những người sắp có lễ kỷ niệm, bởi dây chuyền thường được sử dụng như là một món quà trong những dịp này.
Kết hợp interest targeting với lookalike audience
Nếu bạn đang nhắm chọn đến tệp lookalike audience, bạn hoàn toàn có thể thu hẹp tệp đối tượng này bằng cách kết hợp với interest targeting. Bằng việc thêm một hoặc nhiều sở thích vào tệp lookalike hiện có, và bạn sẽ thu về một tệp đối tượng mới có độ phù hợp cao hơn nhiều so với ban đầu.
Tạm kết
Facebook interest targeting là loại quảng cáo nhắm mục tiêu hiệu quả có thể áp dụng trong nhiều trường hợp, kể cả khi bạn chưa có quá nhiều data khách hàng, hay khi bạn đã có đủ lượng data để bắt đầu đa dạng hóa tệp khách hàng mục tiêu.
Điều quan trọng là bạn cần hiểu khách hàng và xác định được một bức tranh rõ ràng về những người bạn muốn Facebook hiển thị quảng cáo của mình đến, điều này tác động tích cực đến hiệu suất quảng cáo của bạn.
Để trang bị tư duy làm digital marketing, từ cách tận dụng công cụ để nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách hàng, đến nắm chắc thuật toán đa nền tảng, hãy tham khảo khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers!
Bài viết bởi Madgicx và được biên dịch bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!
The post Sử dụng Interest targeting để tối ưu quảng cáo Facebook như thế nào? appeared first on Tomorrow Marketers.
source https://blog.tomorrowmarketers.org/su-dung-interest-targeting-de-toi-uu-quang-cao-facebook-nhu-the-nao/
Nhận xét
Đăng nhận xét