Burn Rate và Cash Runway là gì?
Tomorrow Marketers – Đối với các CEO khi gọi vốn cho startup hoặc các công ty chưa có doanh thu bền vững, việc đảm bảo nguồn tiền mặt để tồn tại và vượt qua giai đoạn đầu vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp của bạn cần bao nhiêu tiền mặt để hoạt động và có thể tồn tại trong bao lâu nếu không có vốn mới? Tiền mặt của doanh nghiệp có đang chuyển động theo chiều hướng tích cực không?
Burn rate và Cash runway sẽ là câu trả lời cho những câu hỏi này.
1. Chỉ số burn rate
1.1. Burn rate là gì?
Burn rate đề cập đến lượng tiền mặt mà doanh nghiệp cần sử dụng cho các hoạt động kinh doanh trong một đơn vị thời gian nhất định.
Có hai loại burn rate cần lưu ý:
Gross burn rate (Tỷ lệ đốt cháy gộp) là tổng số tiền công ty phải chi trả để duy trì hoạt động kinh doanh mỗi tháng, ví dụ tổng tiền lương, chi phí tiền thuê văn phòng, giá vốn hàng bán (COGS), và các chi phí vận hành khác.
Gross Burn Rate = Cash out from Operations / Time Period
Net burn rate (Tỷ lệ đốt cháy ròng) là số tiền mặt còn lại sau khi lấy dòng tiền ra trừ đi dòng tiền vào. Nếu doanh nghiệp có lợi nhuận, net burn rate sẽ là con số âm do dòng tiền vào (doanh thu) lớn hơn số tiền bạn chi tiêu.
Net Burn Rate = (Cash out from Operations – Cash in from Operations)/Time Period
Giả sử, một doanh nghiệp có dòng tiền ra trong một tháng (chi phí vận hành) là 10,000$ và dòng tiền vào (doanh thu) là 8,000$. Vậy gross burn rate của doanh nghiệp này là 10,000$ một tháng, trong khi net burn rate là 2,000$ một tháng.
Như vậy, gross burn rate cho bạn bức tranh toàn cảnh về chi tiêu của doanh nghiệp và trả lời câu hỏi cần bao nhiêu tiền để tồn tại hàng tháng. Trong khi đó, net burn rate giúp bạn hiểu cần thêm bao nhiêu doanh thu để hòa vốn và công ty còn cầm cự được bao lâu nữa cho đến khi cạn kiệt nguồn vốn.
1.2. Những doanh nghiệp nào cần đặc biệt quan tâm tới burn rate?
Startups với vốn đầu tư mạo hiểm
Startup ở giai đoạn đầu thường duy trì hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào nguồn vốn từ các nhà đầu tư để phát triển và marketing cho sản phẩm. Họ có thể thua lỗ trong nhiều năm trước khi thành công (tạo ra lợi nhuận) hoặc hết cạn tiền và phá sản.
Bằng cách đo lường burn rate, các nhà quản lý doanh nghiệp có thể lập kế hoạch và dự đoán khoảng thời gian hoạt động dù thua lỗ, trước khi bắt đầu kiếm được lợi nhuận để vượt qua giai đoạn đầu & hoà vốn.
Burn rate cũng rất quan trọng đối với các startup đang tìm nguồn vốn khi chưa có nhà đầu tư. Khi gây quỹ, họ phải trình bày các dự báo tài chính, giải thích họ cần bao nhiêu vốn để phát triển sản phẩm, khi nào họ dự kiến bắt đầu kiếm được lợi nhuận (và bao nhiêu) và “tốc độ đốt tiền” của họ sẽ là bao nhiêu.
Các công ty mới chưa có doanh thu bền vững
Trước khi tạo ra lợi nhuận dương, doanh nghiệp cần rất nhiều hoạt động thu hút, nuôi dưỡng hoặc kích thích cho tới chuyển đổi thành công một khách hàng mới. Ví dụ, một cửa hàng quần áo có thể launch một website, chạy quảng cáo trên social media,… để tạo sự chú ý, kích thích và khiến họ mua hàng.
Vì vậy, bạn cần dự kiến burn rate của doanh nghiệp để trả lời cho câu hỏi: Số tiền mặt hiện có có thể duy trì hoạt động cho cửa hàng trong bao lâu nếu không tạo ra lợi nhuận?
Những tập đoàn với các khoản vay lớn
Có nhiều lý do để một tập đoàn lớn có những khoản vay nợ hoặc một hạn mức tín dụng: để duy trì hoạt động vượt qua khoảng thời gian khó khăn, để mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp hoặc để phát triển các dự án mới,… Thực hiện một thay đổi lớn như vậy tương tự với việc doanh nghiệp đang vận hành trong giai đoạn mới thành lập. Bạn cần biết mình phải phát triển và thử nghiệm các cách để tăng doanh thu trong bao lâu trước khi hết các khoản nợ của ngân hàng. Doanh nghiệp cũng cần lập ngân sách cho việc trả lãi khi bạn bắt đầu có lãi trở lại.
Các doanh nghiệp cần cắt giảm các khoản ngân sách
Nếu đang đốt tiền với tốc độ quá nhanh, doanh nghiệp đó sẽ có nguy cơ phá sản. Burn rate của một startup có thể cho thấy công ty đang bội chi – chi tiêu quá mức so với lượng tiền mặt thu vào. Có 3 hoạt động của công ty thường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất cân đối của ngân sách này: (1) Marketing và xây dựng thương hiệu đang sử dụng quá nhiều nguồn vốn nhưng không đem lại hiệu quả đáng mong đợi, (2) Bắt đầu mối quan hệ với nhà cung cấp quá sớm mà chưa thương lượng hoặc tìm kiếm các đối tác tốt hơn, (3) Lãng phí vào không gian văn phòng.
Ở chiều ngược lại, nếu một doanh nghiệp sử dụng tiền mặt quá chậm, điều đó cho thấy sự trì trệ tăng trưởng hoặc sự thiếu đầu tư cho tương lai. Các nhà đầu tư sẽ không muốn rót vốn cho những startup chỉ đơn giản là xin được đầu tư và giữ nguyên tiền để bảo đảm sự an toàn mà không đem lại thay đổi tích cực trong kết quả kinh doanh hay chậm chạp trong các quyết định phát triển.
2. Chỉ số Cash runway
2.1. Định nghĩa cash runway là gì?
Cash Runway là khoảng thời gian mà một công ty có thể duy trì khả năng thanh toán mà không cần huy động thêm bất kỳ khoản tiền nào. Đơn vị của cash runway có thể là một tháng, một năm hoặc tính trung bình trong một khoảng thời gian dài hơn như ba tháng,…
Nếu tỷ lệ net burn rate của doanh nghiệp là 10,000$ mỗi tháng và bạn có 100,000$ trong ngân hàng, bạn có cash runway 10 tháng để bắt đầu tạo ra dòng tiền dương.
2.2. Ý nghĩa của chỉ số cash runway
Bằng cách giám sát cash runway theo thời gian, các doanh nghiệp có thể xác định khoảng thời gian trước khi cạn kiệt nguồn tiền mặt.
Nếu cash runway thu hẹp từ quý này sang quý tiếp theo, đó là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang chi tiêu với tốc độ nhanh và nhiều hơn số tiền mà doanh nghiệp cần. Thậm chí đó còn là dấu hiệu doanh nghiệp đang gặp phải khủng hoảng tài chính. Lúc này, các chủ doanh nghiệp cần có những hành động để “cứu vớt” doanh nghiệp, bất kể là tạo thêm doanh thu hay cắt giảm chi phí.
Đọc thêm: Giảm chi phí hay tăng doanh thu có lợi hơn cho doanh nghiệp?
Cash runway có sự dao động và khác biệt bởi nhiều yếu tố: quy mô, tuổi đời doanh nghiệp hoặc đặc thù ngành hàng,…
Các công ty startup có xu hướng có tốc độ đốt cháy nhanh hơn so với các doanh nghiệp đã thành lập lâu năm.
Nếu công việc kinh doanh của doanh nghiệp mang tính thời vụ cao, doanh nghiệp có thể cảm thấy không vấn đề gì với việc cash runway giảm và phải “thắt lưng buộc bụng” hơn bình thường trong các mùa có nhu cầu thấp hơn. Trong khi với các doanh nghiệp có công việc kinh doanh ổn định và nhất quán, cash runway sẽ là chỉ số đầu tiên mà doanh nghiệp cần nắm chắc để đảm bảo khả năng tái đầu tư.
2.3 Công thức tính cash runway dựa trên burn rate
Để tính toán cash runway, bạn cần hiểu rõ về chỉ số burn rate bởi đây là hai khái niệm song hành với nhau. Dựa trên burn rate, công thức của cash runway là:
Cash runway =Total Cash / Net Burn Rate
Giả sử, một startup vừa huy động được 10 triệu đô la, nâng tổng số dư tiền mặt của họ lên 11,5 triệu đô la. Trong ba tháng tiếp theo, họ lần lượt “đốt” 250.000$, 300.000$ và 275.00$ mỗi tháng.
Để tính toán burn rate của startup này, trước tiên chúng ta cần tính tổng số lỗ của họ (250.000$ + 300.000$ + 275.000$), tương đương với 825.000$. Sau ba tháng, họ còn lại 10.675.000$ trong ngân hàng.
Net burn rate = (Starting balance – Ending balance)/# Months
= (11.500.000$ – 10.675.000$) / 3 = 275.000 ($/tháng)
Như vậy startup này đang chi 275.000 đô la mỗi tháng. Và cash runaway của công ty là:
Cash runway = Cash / Net Burn Rate = 10.675.000$ / 275.000$ = 38,81 tháng
Với mức họ đang chi tiêu, startup có quỹ tiền mặt chỉ dưới 39 tháng. Biết rằng hầu hết các công ty startup sẽ tìm kiếm thêm nguồn vốn trong vòng một năm, con số này sẽ báo hiệu cho lãnh đạo rằng họ có thể nên tăng chi tiêu và đầu tư vào một số sáng kiến để giúp thúc đẩy họ đạt được lợi nhuận.
2.4. Benchmarks của chỉ số burn rate
- “Giá trị mà doanh nghiệp tạo ra phải ít nhất là gấp 3 lần so với số tiền mà doanh nghiệp đang đốt. Nếu không công ty đang lãng phí nguồn vốn của các nhà đầu tư.” — Mark Suster (Managing partner – Upfront Ventures) đưa ra lời khuyên.
- Chỉ số burn rate như thế nào là tốt hoặc tệ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tuy nhiên nói chung chỉ số burn rate tốt khi nó cho thấy doanh nghiệp còn nhiều thời gian để hoạt động mà không rơi vào tình trạng nguy kịch. Thông thường, con số này nên nhiều hơn 12 tháng.
- Một vài startups lựa chọn tập trung vào một thị trường mới. Điều này có thể dẫn tới kết quả burn rate rất cao nhưng doanh thu chỉ ở mức rất thấp hoặc thậm chí bằng không. Những startup này tăng trưởng bằng việc tham gia rất nhiều vòng rót vốn, điều này khá nguy hiểm. Mark Suster cho rằng, ở giai đoạn đầu của startup, bạn cần “ring the cash register”. Điều này có nghĩa là bạn cần tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp nhanh nhất có thể bởi 99% công ty không đủ khả năng để chỉ tập trung vào mục tiêu tăng trưởng.
Hãy xem xét các ví dụ thực tế về chỉ số burn rate để hiểu hơn về các quyết định mà nhà sáng lập cần làm:
Ví dụ, công ty SaaS A đã huy động được 2,3 triệu đô, đạt doanh thu 56.000 đô mỗi tháng và có tổng chi phí là 156.000 đô/tháng (gross burn rate là 156.000 đô la). Net burn rate là 100.000 đô/tháng và họ còn 23 tháng nữa để “sống sót” trước khi hết tiền. Con số này tạm ổn bởi họ còn nhiều thời gian.
Công ty SaaS B huy động được 15 triệu đô la và đạt doanh thu hàng tháng là 575.000 đô la. Tổng chi phí hàng tháng là khoảng 1 triệu đô la, nghĩa là net burn rate = -500.000 đô la mỗi tháng. Những người sáng lập này sẽ phải huy động thêm vốn trong 4 tháng tới, thúc đẩy đủ doanh thu mới để đạt được lợi nhuận trong 12 tháng tới, nếu không họ sẽ cạn kiệt tiền mặt.
3. Làm thế nào để tăng cash runway và giảm burn rate?
Trong trường hợp cash runway của doanh nghiệp đã sắp tới hạn, cấp quản lý cần xem xét tới việc huy động vốn, tăng doanh thu thông qua hoạt động bán hàng tích cực hoặc giảm burn rate bằng cách cắt giảm các chi phí vận hành không cần thiết. Doanh nghiệp có thể:
- Tinh giản bộ máy lao động: Đối với các doanh nghiệp sử dụng quá nhiều lao động, việc hoãn tuyển dụng, sa thải lao động không cần thiết, tinh giản bộ máy hoặc hạn chế phúc lợi có thể giúp tiết kiệm một khoản lớn. Dù vậy, hãy đảm bảo rằng bất kỳ sự cắt giảm nào cũng phải thông minh và bền vững. Việc luân chuyển nhân sự trong các công ty startup cũng sẽ giúp ích trong việc này bởi không dễ dàng để có được nhân sự hoàn toàn “phù hợp” ngay lần đầu tiên.
- Tập trung vào ROI và tăng trưởng: Bất kể khoản tiền dự trữ mà doanh nghiệp đang có là bao nhiêu, việc chi phí có đang thể hiện tăng trưởng hay không mới là điều quan trọng. Đối với các khoản chi không cần thiết và không đem lại giá trị, các doanh nghiệp, đặc biệt là startup có thể mạnh dạn cắt giảm tối đa có thể.
- Tăng doanh thu thông qua các hoạt động bán hàng: Càng nhiều hàng được bán, càng nhiều khách hàng được chuyển đổi đồng nghĩa với dòng tiền vào càng nhiều.
- Giảm các chi phí trực tiếp: Tối ưu số lượng tồn kho của các nguyên vật liệu không cần thiết có thể đem lại sự khác biệt lớn trong dòng tiền. Bạn cũng có thể phân tích các khoản phí hàng ngày, kiểm tra liệu có tiện ích nào doanh nghiệp không sử dụng hoặc bán bớt các tài sản tồn kho không còn hữu ích,… Tùy theo quy mô, cấu trúc và đặc thù của doanh hàng, bạn có thể có những thay đổi nhỏ như: Lựa chọn các không gian văn phòng chia sẻ, coworking; Sử dụng các nền tảng quản lý doanh nghiệp từ đầu để không tốn thời gian cho các công việc thủ công; Thuê ngoài (freelance hoặc agency) một số nhiệm vụ nhất định;…
- Thu hồi tiền mặt nhanh hơn: Khi hoàn thành một đơn hàng, bạn có thể lập hóa đơn và yêu cầu họ trả tiền đúng hạn, liên tục theo dõi hoặc thêm phí trả muộn,…
- Suy nghĩ tới các khoản nợ tái cấp vốn: Nếu các khoản thanh toán nợ của bạn cao, bạn nên thử trao đổi với các nhà đầu tư về việc tái cấp vốn với các khoản thanh toán thấp hơn.
- Gây quỹ bổ sung: Nếu bạn đã làm tất cả những gì có thể nhưng burn rate vẫn quá cao – và quan trọng là bạn tự tin rằng doanh nghiệp của mình có thể thành công – bạn có thể suy nghĩ tới việc gây quỹ bổ sung. Hãy đảm bảo thực hiện điều này càng sớm càng tốt, vì một doanh nghiệp thiếu tiền mặt có thể khiến những người cho vay tiềm ẩn rủi ro quá lớn.
- Có một nguồn vốn có tính thanh khoản cao để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp: Một số tình huống khẩn mà các startup có thể gặp phải có thể gặp phải là khi chi phí đột ngột tăng vọt trong khi chưa tới thời hạn huy động vốn hoặc khi doanh nghiệp cần bổ sung các tài nguyên chưa được tính toán trước,… Vì vậy, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên các startup nên giữ quỹ khẩn cấp có thể giúp doanh nghiệp tồn tại trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến 1 năm trong các tình huống không thể lường trước. Thông thường, để duy trì khả năng thanh toán, các startup sẽ chỉ sử dụng tiền mặt của công ty. Vì vậy, để mở rộng quỹ khẩn cấp, một số startup có thể sẽ phải sử dụng đến tiền lương của các nhân viên trong nhóm hoặc khoản dự trữ tiền mặt của chính người sáng lập. Những công ty này có thể chọn trả lương cho nhân viên bằng vốn chủ sở hữu hoặc các hình thức khuyến khích không dùng tiền mặt khác trong một thời gian ngắn. Cần lưu ý rằng, hai phương thức này là phương sách cuối cùng và có thể khiến doanh nghiệp khó thành công hơn so với việc thuyết phục các nhà đầu tư cung cấp thêm vốn.
Tạm kết
Mối quan tâm cao nhất của các nhà sáng lập startup là bảo vệ “sức khỏe” của công ty và duy trì hiệu quả kinh tế. Để hướng tới mục tiêu này, bạn cần quản lý dòng tiền và hiệu suất tài chính, đồng thời đảm bảo các hoạt động Marketing và xây dựng thương hiệu đạt hiệu quả với kết quả ROI tích cực. Nếu bạn quan tâm tới các kiến thức tài chính căn bản trong Marketing như hiểu được cấu trúc của báo cáo profit/loss dưới góc độ quản lý, phân tích báo cáo profit/loss để lên kế hoạch tăng trưởng cho doanh nghiệp, tham gia khóa học Brand Development tại Tomorrow Marketers nhé!
Bên cạnh đó, nếu bạn mong muốn trau dồi sâu hơn về kỹ năng đọc số, phân tích đánh giá báo cáo nhằm đưa ra quyết định chiến lược, đừng bỏ lỡ khóa học Data Analysis của Tomorrow Marketers nhé!
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!
The post Burn Rate và Cash Runway là gì? appeared first on Tomorrow Marketers.
source https://blog.tomorrowmarketers.org/burn-rate-va-cash-runway-la-gi/
Nhận xét
Đăng nhận xét