Làm việc nhóm vòng Assessment Center: 3 bước tư duy phản biện giúp bạn đánh giá đúng ý kiến của người khác

Tomorrow Marketers – Các hoạt động thảo luận nhóm, thường được biết tới với cái tên Assessment Center hay Assessment Day, là một phần của các kỳ thi tuyển dụng vào các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Nestle, Coca Cola,… Trong vòng này, các ứng viên sẽ cần phối hợp với nhau để cùng tìm ra giải pháp tốt nhất cho một vấn đề kinh doanh và trình bày giải pháp của nhóm mình với ban giám khảo. Tuy nhiên, dưới áp lực thời gian và áp lực thể hiện năng lực bản thân vô cùng lớn, buổi thảo luận nhóm có thể biến thành các cuộc tranh luận căng thẳng, nơi tất cả mọi người đều nghĩ rằng cách của mình là tốt nhất, cuối cùng không thể đưa ra một giải pháp hoàn chỉnh để giúp cả nhóm gây ấn tượng với ban giám khảo. 

Vì vậy, để thành công trong vòng Assessment Center, nhiệm vụ của bạn không chỉ là thể hiện năng lực, kiến thức của bản thân, mà còn là chọn lọc và đánh giá ý kiến của các thành viên trong nhóm, tranh luận và thuyết phục để cả nhóm đến được giải pháp cuối cùng. Đây cũng chính là tư duy phản biện mà bạn sẽ cần sử dụng khi làm việc với các đồng nghiệp và đối tác trong các dự án vô cùng phức tạp trong tương lai. Thiếu khả năng này, cho dù một nhóm có nhiều thành viên tài năng cũng sẽ khó lòng đạt được thành công như mong đợi. Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu 3 bước tư duy phản biện ứng dụng trong Assessment Center qua bài viết này nhé.

1. Tư duy phản biện trong làm việc nhóm là như thế nào? 

Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một buổi brainstorm nhóm trong vòng Assessment Center.  Để giải quyết vấn đề thương hiệu nước giải khát A đang bị mất thị phần vào tay thương hiệu B, ý kiến thứ nhất cho rằng: Gần đây thương hiệu B đang đang ra mắt các dòng nước giải khát với bao bì trẻ trung, do đó thu hút được nhóm khách hàng trẻ trong độ tuổi 18-25. Vì vậy, để giành lại thị phần, thương hiệu A cần ra mắt sản phẩm mới.

Ý kiến thứ hai cho rằng thương hiệu nước giải khát A mất thị phần là do chưa mở rộng hệ thống phân phối. Thương hiệu A mới chỉ có mặt tại một số siêu thị lớn nên không tiếp cận được các khách hàng mua sắm ở các kênh truyền thống như chợ hay tiệm tạp hóa. Do đó, thương hiệu A cần mở rộng kênh phân phối để bao gồm các kênh truyền thống nêu trên. 

Ý kiến thứ ba cho rằng ý kiến thứ nhất là hợp lý nhất, vì nhóm khách hàng trẻ trong độ tuổi 18-25 sẽ là chủ lực chi tiêu trong 5 năm tới. 

Ý kiến thứ tư cho rằng ý kiến thứ nhất không hề hợp lý, vì chi phí sản xuất và marketing cho một sản phẩm mới là rất lớn khiến lợi nhuận của công ty bị sụt giảm. Do đó, cách tốt nhất để thương hiệu A tăng thị phần là thực hiện các chiến dịch truyền thông diện rộng cho sản phẩm hiện tại. 

Dựa trên những ý kiến này, làm thế nào để biết đâu là giải pháp mà nhóm nên chọn? 

Đây là một tình huống thường xảy ra trong các buổi tranh luận nhóm. Ở đây, ý kiến thứ nhất muốn bàn về khía cạnh sản phẩm, nhưng ý kiến thứ hai lại nói tới vấn đề kênh phân phối. Ý kiến thứ tư phản biện ý kiến thứ nhất nhưng lại đưa ra kết luận hoàn toàn mới, không đề liên quan gì tới phần phản biện phía trên. 

Nếu tiếp tục tranh luận bằng cách bổ sung các thông tin không liên quan, buổi làm việc nhóm sẽ ngày một trở nên “loãng” và rời xa mục đích ban đầu. Cuối cùng, tất cả các thành viên sẽ bị “nhấn chìm” trong quá nhiều thông tin được thêm vào mà không biết đâu mới là định hướng đúng mà cả nhóm cần theo, dẫn tới vội vàng “chọn bừa” khi hạn chót đã gần kề. 

Quay lại câu hỏi phía trên: Làm thế nào để biết đâu là giải pháp mà nhóm nên chọn? Để biết được đâu là giải pháp tốt nhất, trước hết nhóm cần phải dừng việc thêm vào các thông tin mới và bắt đầu bằng việc đánh giá từng ý kiến phía trên đúng – sai ở đâu. Mỗi ý kiến của các thành viên cần được đào sâu, phân tích và nhìn nhận nghiêm túc trước khi chuyển sang các ý kiến tiếp theo. Phân tích cặn kẽ các mặt đúng – sai của một quan điểm sẽ tốt hơn là tung ra 100 quan điểm nhưng chỉ lướt qua chúng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là sẽ không cần đưa ra thông tin mới. Khi thông tin đã thảo luận xong chưa đủ để đưa ra kết luận, ứng viên có thể bổ sung thêm các thông tin thứ cấp khác. 

Tư duy phản biện trong làm việc nhóm chính là khả năng đánh giá, chắt lọc thông tin do người khác cung cấp, cân nhắc các mặt lợi – hại và đưa ra được lý do cho việc ủng hộ hay phản đối ý kiến của người khác một cách logic. 

Đọc thêm: Problem Solving – “Vũ khí” chinh phục nhà tuyển dụng khó tính

2. Ba bước tư duy phản biện giúp bạn đánh giá được ý kiến của người khác

Quá trình tư duy phản biện đánh giá ý kiến của người khác xảy ra theo 3 giai đoạn: Analyzing, Interpreting & Evaluating. 

  • Analyzing: Phân tích đâu là kết luận? đâu là những dẫn chứng hay luận điểm mà người nói hay người viết đưa ra? Chủ đề mà người nói/người viết muốn bàn tới là gì? 
  • Interpreting: Người nói đang muốn làm gì (đưa ra một giải pháp/dự đoán/chứng minh một hậu quả,…)? Người nói đang muốn ám chỉ điều gì? 
  • Evaluating: Ý kiến này có đúng hay không? Điều gì khiến ý kiến này đúng/sai? Lập luận này có lỗ hổng nào hay không? 

Áp dụng ba bước này, chúng ta có thể phân tích các ý kiến trên như sau: 

Ý kiến thứ nhất: 

  • Analyzing: Người nói kết luận rằng việc tung sản phẩm mới giúp thương hiệu A giành lại thị phần. Kết luận này dựa trên luận điểm: Thương hiệu B đang tung ra các mẫu mã mới giúp thu hút nhóm khách hàng 18-25 tuổi. 
  • Interpreting: Người nói đang cố gắng chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa việc mất thị phần với mẫu mã sản phẩm. 
  • Evaluating: Lập luận này chỉ đúng khi mẫu mã sản phẩm là yếu tố chính ảnh hưởng tới hành vi mua của khách hàng. Nếu có nguyên nhân khác khiến khách hàng không còn mua sản phẩm của thương hiệu A thì sao? Ví dụ, xu hướng tiêu dùng mới khiến khách hàng nhóm 18-25 tuổi không muốn uống các sản phẩm có nhiều đường – đặc điểm chính của các sản phẩm đồ uống thương hiệu A? Để kết luận này có thêm căn cứ, chúng ta cần tìm hiểu các báo cáo về hành vi tiêu dùng trong ngành nước giải khát, đào sâu và tìm kiếm insight của khách hàng

Nếu đào sâu hơn chúng ta còn phải giải quyết các vấn đề như: liệu nhóm 18-25 tuổi có thực sự là nhóm rời đi? Liệu nhóm này có phải là nhóm quan trọng nhất đóng góp vào thị phần của doanh nghiệp? Lúc này, chúng ta sẽ cần xem xét các báo cáo về kinh doanh và chân dung khách hàng của thương hiệu A. 

Ý kiến thức hai: 

  • Analyzing: Người nói kết luận rằng để giành lại thị phần, thương hiệu A cần mở rộng kênh phân phối sang các kênh truyền thống. 
  • Interpreting: Người nói đang cố gắng chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa việc mất thị phần với việc hệ thống kênh phân phối chưa mở rộng tới các kênh truyền thống.
  • Evaluating: Lập luận này chỉ đúng nếu nhóm khách hàng mà thương hiệu A mất vào tay đối thủ mà với thương hiệu đó, người dùng có thói quen mua hàng ở các kênh truyền thống. Nếu nhóm khách hàng này không có thói quen mua hàng ở các kênh truyền thống thì lập luận này sẽ có sơ hở. Câu hỏi cần trả lời đó là liệu nhóm khách hàng mà thương hiệu A mất vào tay đối thủ có thực sự mua hàng ở các kênh truyền thống không?
Quy trình 3 bước tư duy cũng như cách phân tích 1 lập luận hiện đang được đào tạo trong khóa học Business English của Tomorrow Marketers. Học viên sẽ được tìm hiểu sâu về cấu trúc lập luận & các phương pháp lập luận ủng hộ hay phản biện ý kiến của người khác thông qua các bài tập hoàn toàn bằng tiếng Anh thuộc các chủ đề kinh doanh. Đây sẽ là một sự chuẩn bị cần thiết để các ứng viên tự tin trong quá trình ứng tuyển của mình. 

Ý kiến thứ ba: 

  • Analyzing: Người nói kết luận rằng vì nhóm 18-25 tuổi là chủ lực chi tiêu trong 5 năm tới, nên việc ra mắt sản phẩm mới để thu hút nhóm này là cách để thương hiệu A giành lại thị phần. 
  • Interpreting: Người nói đang cố gắng thuyết phục những người khác tin rằng lập luận của người đầu tiên là đúng bằng cách củng cố tầm quan trọng của nhóm khách hàng 18-25 tuổi, và đặt biệt là ở tương lai trung hạn (5 năm tới).  
  • Evaluating: Nhóm 18-25 tuổi là chủ lực chi tiêu trong 5 năm nữa, vậy trong hiện tại thì sao? Vì sao lại sử dụng thông tin trong 5 năm tới để củng cố cho quan điểm của hiện tại? Nếu trong thời điểm hiện tại nhóm 18-25 tuổi chỉ đóng góp một phần doanh thu rất nhỏ thì việc chiếm thị phần bằng cách làm hài lòng nhóm này có đáng hay không? Chúng ta đang ưu tiên ngắn hạn hay trung hạn hơn? 

Ý kiến thứ tư: 

  • Analyzing: Người nói kết luận rằng cách để tăng thị phần cho thương hiệu là thực hiện các chiến dịch truyền thông diện rộng cho sản phẩm hiện tại. Luận điểm người nói đưa ra đó là chi phí sản xuất và marketing sản phẩm mới là quá lớn, gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty. 
  • Interpreting: Người nói đang cố gắng làm suy yếu lập luận của người đầu tiên bằng cách chỉ ra yếu tố về chi phí sản xuất, sau đó nêu ra giải pháp của riêng mình. 
  • Evaluating: Người nói đang phạm phải hai lỗi lập luận. Lỗi đầu tiên là chỉ ra một vấn đề khác không liên quan tới vấn đề được nêu ra ban đầu. Vấn đề được đặt ra trong bài là thị phần, không phải là lợi nhuận, do đó, việc chỉ ra chi phí sản xuất & marketing ảnh hưởng thế nào tới lợi nhuận không nằm trong phạm vi tranh luận của đề bài. Lỗi thứ hai là đưa ra một kết luận không liên quan gì tới lập luận trước đó. Người nói sử dụng các lập luận trước để làm suy yếu lập luận của người khác, nhưng lại kết luận bằng một giải pháp mới (chiến dịch truyền thông) mà không hề có thêm sự giải thích nào cho kết luận này. 

Trên đây là mô phỏng đơn giản hóa cách tư duy phản biện để đánh giá ý kiến của người khác trong các buổi brainstorm. Trên thực tế, các buổi thảo luận nhóm và các vấn đề kinh doanh cần giải quyết còn có thể phức tạp hơn nhiều lần. Đối mặt với sự phức tạp ấy, mô hình Analyzing – Interpreting – Evaluation là bước khởi đầu để bạn “bẻ nhỏ” lập luận của người khác và đánh giá các mặt đúng-sai, bám sát lập luận để không sa đà vào các thông tin ngoài lề, thu hẹp phạm vi tìm kiếm và nghiên cứu thông tin. 

Tạm kết

Từ việc đánh giá các thông tin nhận được, ứng viên còn cần biết cách lập luận để bảo vệ một quan điểm hay phát hiện sơ hở của quan điểm khác, từ đó thuyết phục teammate và ban giám khảo về giải pháp mà mình lựa chọn. Đây là những kỹ năng không chỉ được kiểm tra trong các kỳ thi tuyển dụng vào các tập đoàn đa quốc gia mà còn tiếp tục được sử dụng trong công việc hàng ngày trong môi trường kinh doanh quốc tế. Nếu bạn mong muốn cải thiện tư duy phản biện, lập luận, cũng như rèn luyện kỹ năng viết tiếng Anh chuẩn văn phong kinh doanh quốc tế với hệ thống bài tập hoàn toàn bằng tiếng anh chuẩn GMAT (đầu vào các chương trình kinh doanh quốc tế và tập đoàn tư vấn hàng đầu), tham gia ngay khóa học Business English của Tomorrow Marketers nhé!

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

The post Làm việc nhóm vòng Assessment Center: 3 bước tư duy phản biện giúp bạn đánh giá đúng ý kiến của người khác appeared first on Tomorrow Marketers.



source https://blog.tomorrowmarketers.org/3-buoc-tu-duy-phan-bien-critical-thinking-de-tranh-luan-trong-vong-assessment-center/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Điểm “lợi và hại” khi Nam Tiến làm Marketing

Bán hàng trước hay xây dựng thương hiệu trước? Lúc nào doanh nghiệp mới cần “Build Brand”?

SEO Onpage (Phần 2) – Các bước tối ưu SEO URL